21/10/2017 7:04 PM
Mù mờ về giá trị quy đổi, chồng chéo trong quy định, lỏng lẻo trong quản lý, quỹ đất công tại nhiều địa phương được dự đoán sẽ cạn kiệt nếu “cơn sốt dự án BT – đổi đất lấy hạ tầng” không được điều chỉnh, ngăn chặn.
Theo thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ từ tháng 4.2015 tới tháng 3.2016, UBND thành phố đã phê duyệt 17 dự án PPP (công tư đối tác), trong đó có tới 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất.
Tại thời điểm tháng 6.2016, UBND thành phố cũng đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư tới 9.926 tỉ đồng và trình Thủ tướng chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 do Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng 620 và Công ty phát triển xây dựng và đầu tư 168 đề xuất với tổng vốn đầu tư 5.254 tỉ đồng.
Nhận xét về vấn đề này, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, với tốc độ như vậy “bao nhiêu đất để trả cho nhà đầu tư cho vừa!”.
Tại Hà Nội, chỉ với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng và từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án BT trong đó giá trị quy đổi rất chênh lệch. Chẳng hạn để được tuyến đường dài hơn 5km nối đường Lê Văn Lương kéo dài, Hà Nội phải tốn 197ha đất với giá chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/m2.
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đã đến lúc vĩnh biệt thực sự cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã phát triển tốt, có thể chỉ cho phép áp dụng tại một số địa phương chậm phát triển, ngân sách địa phương còn yếu kém, hạ tầng còn rất thiếu, đồng thời cần phải lấp đầy khoảng trống pháp luật về giá trị bằng việc bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng, kiểm toán tài chính để đánh giá giá trị đối với công trình hạ tầng; về định giá đất đai trả cho nhà đầu tư.
Cơ chế dự án BT đang bộc lộ hàng loạt khoảng trống và chồng chéo về pháp luật dẫn nhiều bất lợi cho Nhà nước, gây thất thoát tài sản công và khiến nhiều địa phương đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lực đất đai do nhiều dự án BT được triển khai nhưng gắn với đó là sự yếu kém trong quản lý các quỹ đất công.
Theo Kiểm toán nhà nước, qua kiểm toán 21 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỉ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỉ đồng/30.425 tỉ đồng), tương đương với mức vênh 200 tỉ đồng/dự án. Các chuyên gia cho rằng, đó mới là một phần của sự thất thoát vì chưa thể tính được số tiền chênh liên quan tới việc định giá đất.
Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.