Kết quả bầu cử Hy Lạp có thể làm dịu đi nỗi lo ngại về ảnh hưởng của khủng hoảng châu Âu đối với châu Á, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với những vấn đề bùng phát ở Tây Ban Nha, nơi có chi phí đi vay tiếp tục tăng cao và Hy Lạp phải tiếp tục thực hiện thắt chặt chi tiêu để có thể đạt được yêu cầu của gói cứu trợ, rất nhiều người tự hỏi quốc gia nào ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu như hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế eurozone cuối cùng cũng sụp đổ.
Bài học từ khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy trong khi hầu hết các nước châu Á đều bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ giao dịch thương mại và quan hệ tài chính của từng nước đối với phần còn lại thế giới. Đồng thời, nước nào có dự trữ ngoại hối lớn, Chính phủ có nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và các ngân hàng trung ương có nhiều “room” để cắt giảm lãi suất sẽ có cơ hội sống sót.
Nhìn chung, các quốc gia châu Á có nhiều cơ hội để cắt giảm lãi suất và chi tiêu chính phủ hơn so với châu Âu. Tuy nhiên, với những bất ổn chưa được giải quyết từ thời kỳ khủng hoảng 2008, một số nước như Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản giờ đây đã yếu hơn để có thể chống đỡ với bão khủng hoảng.
Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc quá nhiều vào thương mại như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia được đánh giá là sẽ chịu cú sốc lớn hơn trong trường hợp này. Xuất khẩu xe hơi và smartphone chiếm tới 50% GDP của Hàn Quốc trong khi xuất khẩu chiếm tới 70% hoạt động kinh tế của Đài Loan. EU là thị trường xuất khẩu khổng lồ của châu Á và không thể dễ dàng thay thế được thị trường này, ít nhất là trong ngắn hạn.
Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài sẽ bị bóp nghẹt. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã ước tính trong thời kỳ khủng hoảng 2008, các khoản nợ dành cho châu Á tại các ngân hàng quốc tế đã sụt giảm 1%, kéo theo các khoản vay tại các ngân hàng nội địa giảm 0,6% khiến các doanh nghiệp nhỏ và các nhà xuất khẩu “đói” tín dụng.
Với vai trò là các trung tâm tài chính, Singapore và Hồng Kông là những nước phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự sụp đổ của các ngân hàng châu Âu và sẽ chứng kiến số lượng lớn việc làm bị cắt giảm tại các ngân hàng lớn. Với tỷ lệ các khoản nợ từ châu Âu tương đương với 20% GDP, Malaysia là nước bị ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực trong khi Trung Quốc với hệ thống tài chính khép kín hơn sẽ có sức đề kháng tốt hơn.
Một số biện pháp củng cố nền kinh tế từ năm 2008 sẽ giúp các nước đối phó với tình hình xấu đi. Sau khi chứng kiến dòng vốn ồ ạt bị rút ra là đồng nội tệ bị giảm giá tới 50% trong thời kỳ khủng hoảng 2008, Hàn Quốc giờ đây đã có lượng dự trữ ngoại tệ tốt hơn đồng thời hệ thống ngân hàng cũng giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn từ nước ngoài.
Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia châu Á khác chỉ có rất ít sự lựa chọn so với năm 2008 và 2009. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia đã chuyển sang dựa vào các gói kích thích và tiêu dùng nội địa để nâng cao sức mạnh của nền kinh tế. Nhật Bản có nợ chính phủ lên tới 200% GDP, đồng thời chính sách tiền tệ không linh hoạt do lãi suất đã ở mức quá thấp và NHTW cũng đang thực hiện chương trình mua trái phiếu qui mô lớn. Đồng yên quá mạnh kết hợp với thị trường châu Âu ảm đạm cũng khiến xuất khẩu giảm sút.
Ấn Độ cũng là nước yếu ớt hơn so với 2008. Nước này có thâm hụt cán cân vãng lai gia tăng, do đó hệ thống tài chính cần phải dựa nhiều hơn vào luồng vốn từ nước ngoài. Hơn nữa, nợ chính phủ ở mức cao khiến New Delhi gặp khó trong việc triển khai gói kích thích. NHTW bị kẹt giữa tăng trưởng chậm và lạm phát dai dẳng. Dự trữ ngoại hối cũng thấp hơn so với năm 2008.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang phải chiến đấu với tăng trưởng chậm và lạm phát cao (mặc dù đã được hạ nhiệt thời gian gần đây). Đồng thời, không giống với Ấn Độ, Việt Nam dựa quá nhiều vào xuất khẩu sang EU (chiếm tới 13% GDP).
Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc chậm lại còn có nghĩa là những nước láng giềng, đặc biệt là các nước xuất khẩu hàng hóa như Australia và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tất nhiên, thảm họa từ đồng euro có thể được ngăn chặn. Đồng euro vẫn sống sót nhưng tiếp tục rơi vào suy thoái và thế giới tránh được thảm họa tài chính. Khi đó, kinh tế châu Á sẽ đứng vững và không phải chịu thảm họa nghiêm trọng nào.