Hiên nhà nổi bật phía trước gian hàng Mỹ tại Triển lãm Kiến trúc Venice được thiết kế nhằm gợi lên ý tưởng “Kiến trúc của sự hào phóng”. Ảnh: Getty Images Europe
Với tên gọi “Hiên nhà! Kiến trúc của lòng hiếu khách” (Porch! An Architecture of Generosity), triển lãm này không chỉ làm nổi bật sự phổ biến và đặc trưng của hiên nhà kiểu Mỹ, mà còn đề xuất hiên nhà như một biểu tượng cho những giá trị âm thầm nhưng sâu sắc trong không gian sống Mỹ. Từ khả năng thích ứng khí hậu, nuôi dưỡng tình làng nghĩa xóm, đến vai trò kết nối không gian công cộng – riêng tư, hiên nhà được mô tả là nơi vừa mời gọi, vừa chở che.
“Thông qua kiến trúc, người Mỹ đang ngầm nói với chính mình rằng họ muốn sống trong những không gian trung gian – vừa trong vừa ngoài, vừa riêng tư vừa mở lòng với thế giới”, Peter MacKeith, đồng giám tuyển gian triển lãm Mỹ, giáo sư tại Trường Kiến trúc Fay Jones (Đại học Arkansas), chia sẻ.
Một kiến trúc giản dị mang tầm vóc quốc gia
Tâm điểm của triển lãm là một hiên nhà bằng gỗ lớn do Marlon Blackwell Architects cùng các đối tác thiết kế, dựng lên ở ngay sân trong hình chữ C của gian triển lãm Mỹ. Kết cấu gỗ này không chỉ che nắng mà còn là nơi tụ họp mở, đầy thân thiện – đúng với tinh thần “hiếu khách”.
Một hiên nhà làm từ gỗ khối lớn bao quanh lối vào gian hàng Mỹ tại Triển lãm Kiến trúc Venice. Ảnh: Getty Images Europe
Hiên nhà Mỹ không phải là cấu trúc xa lạ với thế giới. Những cấu trúc tương tự – từ mái hiên, hàng hiên đến veranda – xuất hiện ở nhiều nền văn hóa hàng ngàn năm. Nhưng không quốc gia nào sử dụng hiên nhà một cách có hệ thống và sâu rộng như nước Mỹ.
“Chúng tôi luôn tự gọi mình là ‘một quốc gia của những ngôi nhà’ – từ schoolhouse (trường học), meeting house (nơi họp dân), house of worship (nơi thờ tự)... Nhưng tất cả những ‘ngôi nhà’ đó đều có hiên nhà. Vậy nếu thay vì là ‘một quốc gia của những ngôi nhà’, chúng ta tự nhận mình là ‘một quốc gia của những hiên nhà’ thì sao?”, MacKeith đặt vấn đề.
Phần mở rộng tạm thời rộng 2.300 foot vuông này vừa tạo bóng râm, vừa cung cấp không gian cho các hoạt động, giống như bất kỳ hiên nhà nào khác. Ảnh: Getty Images Europe
Không gian chuyển tiếp giữa riêng và chung
Triển lãm giới thiệu 54 biến thể khác nhau của hiên nhà – từ những hình mẫu truyền thống đến thiết kế đương đại. Dù ở dạng nào, hiên nhà kiểu Mỹ vẫn giữ những đặc trưng riêng: nằm ở tầng trệt, ít nhất có một mặt mở, đủ sâu để che nắng cho cửa sổ, và đủ rộng để kê bàn ghế. Đây là nơi sống ngoài trời nhưng vẫn gần gũi như trong nhà – và chính sự “mở mà không trống” này là nét riêng độc đáo.
Khác với châu Âu, nơi không gian ngoài trời thường mang tính riêng tư (ban công, loggia, vườn có rào), thì hiên nhà Mỹ lại mở ra với thế giới – đặc biệt là tại các dãy nhà liền kề nơi hàng hiên tạo thành nhịp điệu cộng đồng. Ở nhiều nơi, hiên nhà thay thế cho không gian công cộng còn thiếu.
Mô hình thiết kế của Studio Gang cho mái che bằng gỗ được dựng lên tại Công viên Tom Lee dọc theo sông Mississippi ở Memphis, bang Tennessee. Ảnh: Getty Images Europe
Di sản kiến trúc của người Mỹ gốc Phi
Nguồn gốc lâu đời nhất của hiên nhà Mỹ có thể bắt đầu từ các cộng đồng người Mỹ gốc Phi – những người đầu tiên đã xây dựng các cấu trúc tạo bóng mát dựa trên truyền thống quê hương châu Phi. Từ đó, hình mẫu Shotgun House nổi lên tại vùng Mississippi rồi lan rộng khắp miền Nam nước Mỹ.
Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa người Mỹ gốc Phi tại Washington D.C. – do kiến trúc sư David Adjaye thiết kế – cũng dành một khoảng hiên lớn làm điểm nhấn mặt tiền.
Từ biểu tượng cộng đồng đến yếu tố thẩm mỹ
Qua thời gian, hiên nhà từng bị thu hẹp trong các khu dân cư khi cuộc sống dần chuyển ra phía sân sau và điều hòa không khí phát triển. Thế nhưng, hiên nhà vẫn tồn tại và bất ngờ xuất hiện trong phong cách kiến trúc Googie với các quán ăn, khách sạn tương lai dọc xa lộ nước Mỹ.
Ngày nay, hiên nhà còn được tái định nghĩa với sứ mệnh xã hội mới: không gian sinh hoạt tập thể hoặc phần mở rộng thân thiện của các dự án nhà ở xã hội – góp phần vượt qua rào cản tâm lý “không muốn có người lạ trong khu mình”.
Khát vọng mở lòng
“Hiên nhà là nơi ta học được rằng không có ranh giới tuyệt đối giữa không gian riêng tư và công cộng”, nhà lý luận chính trị Patrick Deneen viết trong một trích dẫn tại triển lãm. “Việc kêu gọi phục hưng hiên nhà cũng là một lời mời gọi xây dựng lại không gian công cộng khoan dung hơn, mềm mại hơn, và ít chia rẽ hơn”.
-
Giải mã kiến trúc nhà phố Kim Tiền độc đáo tại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City
Sun Urban City không chỉ là đô thị nghỉ dưỡng có kiến trúc đặc sắc tại Hà Nam, mà còn chứa đựng những mảnh ghép văn hóa độc đáo bổ sung giá trị cho mảnh đất này.
-
Gia chủ đam mê kiến trúc tái sinh biệt thự hiện đại như mơ tại Hà Nội
Biệt thự được thiết kế với tôn chỉ tối giản, nhưng vẫn mang đến sự sang trọng và ấm cúng nằm giữa lòng khu đô thị mới Bắc An Khánh tại Hà Nội, là không gian thể hiện đam mê và cá tính của chủ nhân - một người yêu thích kiến trúc, nơi mà sự hòa quyện giữa thiên nhiên và thiết kế hiện đại tạo nên những trải nghiệm độc đáo và ấn tượng.
-
Biệt thự ven sông Đà Nẵng với khối kiến trúc mở độc đáo, bền vững và thẩm mỹ
Biệt thự có kiến trúc hiện đại, tọa lạc tại khu đô thị mới ven sông Đà Nẵng. Với diện tích đất 300m², căn biệt thự này không chỉ là một nơi để sống mà còn là không gian để các thành viên gia đình sum họp, chia sẻ và kết nối qua nhiều thế hệ.






