Cư dân sinh sống tại tòa nhà Keangnam vẫn chưa nhận được khoản phí bảo trì từ chủ đầu tư.
Theo quy định tại Luật Nhà ở, khi chưa thành lập được ban quản trị chung cư thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý khoản phí bảo trì. Sau khi ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao ngay kinh phí bảo trì cộng và lãi suất cho ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định.
Mặc dù Luật đã quy định rõ như vậy nhưng trên thực tế nhiều cuộc xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư liên tiếp xảy ra liên quan tới khoản phí này.
Mới đây, cư dân sinh sống tại cụm chung cư N05 Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) đã lên tiếng “đòi” chủ đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex trả lại số tiền lên tới tiền phí bảo trì chung cư lên đến 70 tỷ đồng. Được biết, dự án này đã hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2012, thế nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao số tiền bảo trì tòa nhà cho Ban quản trị. Chung cư N05 bao gồm 4 tòa tháp chung cư cao 25 tầng với gần 1.000 căn hộ, được Tổng công ty CP Vinaconex đầu tư quy mô hơn 3.000 tỷ đồng.
Mặc dù đã xảy ra khá lâu, nhưng cuộc chiến đòi lại khoản tiền phí bảo trì lên tới 160 tỷ đồng của các cư dân tại tòa nhà Keangnam vẫn chưa đến hồi kết. Mới đây, ban quản trị tòa nhà cao nhất Việt Nam vừa có văn bản kêu cứu lên Thủ tướng vì chủ đầu tư chây ì trong việc trả khoản tiền nợ phí bảo trì. Được biết trước đó, chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina đã cam kết với Ban quản trị là sẽ trả mỗi tháng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ban quản trị hiện ngoài 2 tỷ đồng đã trả trước đó, chủ đầu tư chưa trả thêm bất cứ một đồng nào tiền quỹ bảo trì. Điều này đã gây khó khăn trong việc bảo trì, quản lý vận hành tòa nhà.
Tại TP.HCM, câu chuyện xung đột giữa chủ đầu tư và cư dân liên quan tới khoản phí bảo trì cũng không hiếm. Tại chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM) hàng trăm cư dân đã phản đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Khải đã không bàn giao khoản tiền phí bảo trì chung cư lên đến hàng chục tỷ đồng. Được biết, sau đó chủ đầu tư thừa nhận, đã trưng dụng khoản tiền phí bảo trì 2% (giá trị căn hộ của từng cư dân) vào mục đích kinh doanh. Theo các cư dân, phí bảo trì 2% giá trị căn hộ là tiền của cư dân đóng góp, dùng để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục sau khi dự án hết thời hạn bảo hành 60 tháng.
Tại tòa nhà lô M, chung cư Bàu Cát II (Tân Bình), khoản phí bảo trì lại trở thành “tâm điểm” cuộc tranh cãi kéo dài giữa cư dân và Ban quản trị tòa nhà. Theo đó, những cư dân sinh sống tại chung cư này “tố” Ban quản trị đã chi tiêu khoản tiền phí bảo trì không rõ ràng, chi tiền nhưng không thông qua ý kiến của cư dân. Vụ việc tại chung cư này kéo dài trong nhiều năm trời và buộc các cơ quan chức năng của TP.HCM phải vào cuộc thanh tra, xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, số tiền phí bảo trì trong một chung cư bình thường khoảng 10 tỷ, tại các chung cư cao cấp có khi lên đến 100 tỷ. Số tiền này, sau đó lại được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư được quyền sử dụng một thời gian dài không ai quản lý. Đến khi phải giao lại cho ban quản trị chung cư thì nhiều doanh nghiệp lại không đáp ứng được, thậm chí có doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn thì cư dân phải lãnh hậu quả. Ông Đực cho biết, tại 5 chung cư do Công ty Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư thì không thu phí bảo trì. Thay vào đó, người dân sẽ đóng tiền hàng tháng bình quân là 4000 đồng/m2. Số tiền này vẫn đảm bảo để bảo trì vận hành tòa nhà.
Đại diện một chủ đầu tư cho biết, cách quản lý và sử dụng khoản phí bảo trì chung cư như thế nào thì luật đã quy định rõ ràng, không phải bàn cãi thêm. Tuy nhiên, khoản phí này nên để chủ đầu tư và một đại diện của ban quản trị chung cư cùng đứng tên. Làm như vậy, là để đảm bảo có sự giám sát qua lại giữa chủ đầu tư và ban quản trị. “Ban quản trị chung cư là một nhóm người được bầu lên, tuy nhiên không ai đảm bảo những người này không làm bậy. Lỡ họ cầm khoản tiền bảo trì rồi trốn mất thì trách nhiệm sẽ đổ cho ai, quyền lợi của cư dân ai đảm bảo”, vị này nói.