Theo KTNN, một số dự án lập quy hoạch không phù hợp thực tế dẫn đến phải điều chỉnh. Đơn cử: Quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng lập không phù hợp với nhu cầu sử dụng theo công năng dự án dẫn tới diện tích sử dụng phải điều chỉnh tăng 41,4% (từ 23.318m2 lên 32.976m2) và phải điều chỉnh 4 lần.
Quy hoạch “chạy theo” thực tế
Về lỗi công tác khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định, KTNN dẫn chứng một loạt trường hợp liên quan. Điển hình: Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dự án Trung tâm điều hành và đào tạo sau đại học Đại học Cần Thơ trước khi phê duyệt quy hoạch; Kho bạc Nhà nước phê duyệt 04 dự án chưa tuân thủ quy hoạch được duyệt; Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, phê duyệt toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp trụ sở các Cục Thống kê không đúng thẩm quyền; Dự án xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao không thẩm định trước khi phê duyệt điều chỉnh dự án; Dự án Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh nguồn vốn bán trụ sở sang sử dụng vốn khác; Dự án Hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang: Hồ sơ lập Dự án Tiểu hợp phần hai chưa nêu phương án khai thác dự án và sử dụng lao động, khả năng thu xếp vốn, khả năng cấp vốn theo tiến độ.
Chất lượng nhiều dự án xây dựng cơ bản không đảm bảo, xuống cấp hư hỏng nhanh chóng
Từ đây, dẫn tới tình trạng phải điều chỉnh quy mô lẫn tăng tổng mức đầu tư. Báo cáo của KTNN chỉ rõ các điển hình về điều chỉnh tổng mức đầu tư thuộc hàng "khủng": Dự án xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao điều chỉnh 4 lần (từ 1.036,4 tỷ đồng lên 1.797,2 tỷ đồng – tăng 73,4%); Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956,2 tỷ đồng lên 6.742,3 tỷ đồng (tăng 36%); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí – thành phố Hạ Long điều chỉnh hai lần, từ 1.318 tỷ đồng lên 2.838,8 tỷ đồng (tăng 115,3%); Dự án xây dựng đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây điều chỉnh lần một tăng 6.001 tỷ đồng, lần hai tăng thêm 4.738 tỷ đồng; Dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội – Dự án II điều chỉnh ba lần, từ 5.063,7 tỷ đồng lên 9.693,8 tỷ đồng (tăng 91,4%); Dự án trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng điều chỉnh từ 880 tỷ đồng lên 2.131,3 tỷ đồng (tăng 142%)…
KTNN lưu ý, một số dự án thực hiện công tác đền bù, GPMB chậm so với tiến độ chung của dự án; chưa lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt còn sai sót. Thậm chí, một số trường hợp bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đúng quy định.
GPMB và dấu hỏi chất lượng, trách nhiệm
Nhìn chung, tiến độ thực hiện đầu tư tại hầu hết các dự án đều chậm so với kế hoạch ban đầu nhưng không phân tích rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó một số dự án chậm trên 3 năm(?!)
Đơn cử cho tình trạng xử lý trách nhiệm kiểu rùa bò, là Dự án xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao (chậm 4 năm); Dự án nâng cấp QL10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ tỉnh Ninh Bình (4 năm); Dự án xây dựng đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây 3 năm; Dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội – Dự án II (5 năm); Tiểu dự án nâng cấp đô thị Tp. Hồ Chí Minh: Dự án thành phần II chậm 5 năm, Dự án thành phần III chậm 6 năm, Dự án thành phần IV chậm 7 năm…
Theo Cơ quan Kiểm toán, hồ sơ quản lý chất lượng của nhiều dự án còn thiếu sót, không đầy đủ; báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của một số dự án sơ sài (Một số dự án của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT).
Bên cạnh đó, một số đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư; chất lượng thi công một số hạng mục của một số dự án không đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng (Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình với Quốc lộ 1; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn Km 244+155 – Km262+353).
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với hầu hết các dự án hoàn thành đều không đảm bảo thời gian quy định; hầu hết các địa phương chưa tuân thủ triệt để những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đó dẫn tới tình trạng 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới trong năm 2014 là 13.377 tỷ đồng, tỷ lệ nợ đọng XDCB đến hết 31/12/2014 của một số địa phương còn lớn so với tổng chi đầu tư phát triển của địa phương năm 2014…