Người dân thôn Minh Tân đang rất bức xúc khi họ bỗng nhiên trở thành những cư dân cư trú bất hợp pháp trên chính mảnh đất đã bỏ bao công sức khai hoang. Và chính quyền huyện Sóc Sơn đã quy hoạch lấy toàn bộ thôn Minh Tân là rừng phòng hộ, khiến 33 năm gian khổ khai sơn phá thạch của người dân thôn Minh Tân trôi sông trôi biển!

Phóng viên trao đổi với Trưởng và phó thôn Minh Tân

LTS: Suốt thời gian dài vừa qua, đặc biệt là gần đây, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trở thành điểm nóng về vi phạm đất đai, xâm chiếm đất rừng và vi phạm trật tự xây dựng. Chỉ tính riêng trên địa bàn 2 xã Minh Phú và Minh Trí, huyện Sóc Sơn đã có hàng chục công trình xây dựng quy mô lớn vi phạm, xâm chiếm đất rừng phòng hộ diễn ra trong nhiều năm, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nguồn gốc đất rừng Sóc Sơn từ đâu có và đang bị xâu xé như thế nào? Cá nhân, đơn vị nào đã tiếp tay cho những sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng ở Sóc Sơn? Việc xử lý những công trình vi phạm như thế nào? Đó là những câu hỏi mà người dân và dư luận đang cần được trả lời công khai, thấu đáo.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đi xây dựng vùng kinh tế mới, suốt hơn 3 thập niên qua, người dân thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng để biến một vùng đất đồi núi khô cằn sỏi đá thành những cánh rừng, vườn cây xanh mướt, giàu tiềm năng kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, các hộ dân ở Minh Tân vẫn không có được cuốn “sổ đỏ” để minh chứng cho những nỗ lực khai hoang, phá thạch. Bức xúc hơn khi người dân ở đây lại đang bị mang tiếng là những người xâm lấn, phá hoại rừng phòng hộ!

Khai phá khu kinh tế mới Đồng Đò

Cái nắng khô hanh cuối tháng 10 khiến tuyến đường Bắc Sơn - Minh Trí đang được làm dở dang chạy qua thôn Minh Tân càng thêm bụi mù và gập ghềnh. Dù đã quá trưa nhưng khi biết có phóng viên vào thôn, ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân, cùng nhiều bà con đã bỏ cả cơm trưa để chờ đợi.

Lần tìm trong đống tài liệu cao chất ngất được lưu giữ cẩn thận hơn 30 năm qua, trong đó có những quyết định được đánh bằng máy mà con chữ đã nhuốm màu thời gian, ông Cường chia sẻ: “Bà con chúng tôi phải lưu giữ lại tất cả, sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng, cũng như lãnh đạo thành phố để chứng minh cho nỗi khó khăn, bức xúc và mang tiếng bấy lâu nay mà chúng tôi phải chịu đựng. Chúng tôi là những người khai hoang vùng đất này, bỏ ra bao nhiêu công sức để trồng lên những cánh rừng, vườn cây tươi tốt như hiện nay, sao lại nói chúng tôi lấn chiếm, xâm phạm đất rừng phòng hộ...” - ông Cường bày tỏ.

Hơn 30 năm trước, theo chủ trương di dân đến vùng kinh tế mới, huyện Sóc Sơn đã vận động người dân ở các xã trên địa bàn vào xây dựng khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí). Hơn 130 hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở các xã Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Hưng, Kim Lũ... đã đến vùng kinh tế mới Đồng Đò.

Nhớ lại những năm tháng gian khổ đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó thôn Minh Tân, xúc động: “Hồi ấy mỗi hộ dân ra đi được huyện hỗ trợ cho gạo ăn 6 tháng (14 kg/tháng), 100kg xi măng và 600 viên ngói. Nhưng chẳng thấm vào đâu vì khi đó cả vùng đất Đồng Đò chỉ toàn đồi núi khô cằn, hoang vắng, điện, nước không có, đường đi lối lại cách trở. Vượt qua những đói rét, bệnh tật..., bà con đi khai hoang Đồng Đò vẫn kiên cường bám trụ, khai sơn, phá thạch để sinh sống và lập nghiệp”.

Bà Đỗ Thị Tuyến, một nhân chứng cho những ngày đầu khai phá khu kinh tế mới Đồng Đò, cũng nghẹn ngào cho biết, người dân phải đào đá, cạy sỏi ra để lấy đất trồng sắn, trồng ngô, rồi đi đào củ mài dưới chân núi để ăn. Không có nước ăn thì đào giếng, xây bể chứa nước mưa, rồi tìm cách dẫn nước từ hồ, từ suối về để làm nước tưới ruộng vườn. Hết trồng sắn, ngô, bà còn lại lao vào trồng rừng keo, bạch đàn, rồi tới cây ăn quả như vải, nhãn, đào... để phủ xanh đất trống đồi trọc. Hàng ngàn hécta đất đai, đồi núi hoang hóa, khô cằn đã được những con người đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò biến thành những cánh rừng, vườn cây, ao cá như ngày nay.

“Nguồn điện bác Trọng”

Khó khăn gian khổ là thế nhưng hầu hết hộ dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò vẫn kiên trì bám trụ, nỗ lực xây dựng phát triển thôn xóm Minh Tân. Cho tới năm 2000, dù cuộc sống ở Minh Tân đã có nhiều thay đổi hơn trước nhưng nơi đây vẫn là thôn vùng sâu vùng xa duy nhất của thủ đô không có điện lưới quốc gia.

May mắn thay, nhân dịp 27-7-2000, khi đi thăm bà con khu kinh tế mới Đồng Đò, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội) chứng kiến cảnh tình khốn khó của người dân địa phương nên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kéo điện lưới cho bà con.

Chưa đầy 3 tháng sau, vào ngày 1-10-2000, đích thân đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã về trạm biến áp thôn Minh Tân để đóng cầu dao điện, chứng kiến việc khánh thành công trình 2km đường dây điện hạ thế phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất cho bà con Đồng Đò.

“Có điện, cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn. Vì thế mà các thế hệ người dân Đồng Đò vẫn trìu mến nói đây là nguồn điện bác Trọng với lòng biết ơn sâu sắc...”, ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Cùng với việc có điện, chính quyền địa phương cũng quan tâm giúp đỡ người dân vùng kinh tế mới bằng việc cải tạo, nâng cấp đường sá, xây nhà văn hóa, bệnh xá, nhà trẻ. Cuộc sống của bà con Đồng Đò ngày càng khấm khá, mở mày mở mặt. Nếu như những năm trước, phần lớn hộ dân ở Đồng Đò phải làm nghề đốt than để kiếm thêm thu nhập, thì nay tất cả đều chuyển sang trồng rừng, trồng cây ăn quả, làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... đem lại thu nhập ổn định.

Bỗng nhiên thành “cư trú trái phép”

Không chỉ bỏ ra rất nhiều công sức xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới Đồng Đò từ 1985 tới nay, bà con thôn Minh Tân còn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và chấp hành các chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, bà con nộp đầy đủ các loại thuế đất ở, đất vườn, đất nông lâm nghiệp, cho tới việc thực hiện thủ tục để công nhận quyền đất ở, đất vườn có nguồn gốc từ khai khẩn ruộng đất đã sử dụng từ năm 1985 tới nay theo yêu cầu của UBND huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí.

Thế nhưng, đã 33 năm sinh sống ổn định và hợp pháp trên mảnh đất Đồng Đò, đến nay các hộ dân ở Minh Tân vẫn chưa được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp.

Càng bức xúc hơn khi mới đây, người dân thôn Minh Tân bất ngờ được biết UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn từ tháng 5-2008 nhưng có rất nhiều sai sót trong việc khảo sát lập dự án, cũng như thực hiện không đúng quy trình pháp luật.

Trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Đình Cường bức xúc: “Rừng phòng hộ ở Minh Tân chỉ có được khi những người dân chúng tôi phải bỏ công, bỏ sức ra khai hoang, trồng rừng nhưng 10 năm qua chúng tôi không hề biết gì về quy hoạch cả vùng này thành rừng phòng hộ. Họ đi đo đạc cắm mốc thực địa cũng không báo cho dân, cũng không có các cuộc họp bàn với nhân dân địa phương để lấy ý kiến. Vì thế dẫn tới quy hoạch một cách tùy tiện, không căn cứ trên thực trạng sử dụng đất tại địa phương, gây nên việc chồng lấn lên các vùng dân cư đã sinh sống lâu đời và hợp pháp”.

Người dân thôn Minh Tân đang rất đỗi bức xúc là tại sao họ bỗng nhiên trở thành những cư dân cư trú bất hợp pháp trên chính mảnh đất đã bỏ bao công sức khai hoang, xây dựng. Và chính quyền huyện Sóc Sơn đã quy hoạch lấy toàn bộ thôn Minh Tân là rừng phòng hộ, thì hóa ra 33 năm gian khổ khai sơn phá thạch của người dân thôn Minh Tân trôi sông trôi biển!

Khu kinh tế mới Đồng Đò nay đã là thôn Minh Tân trù phú, thay da đổi thịt, nhiều tiềm năng kinh tế và du lịch. Số hộ dân tính đến năm 2018 là hơn 205 hộ với gần 1.000 nhân khẩu.

Nguyễn Quốc (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.