Ông Cường cho biết: Chúng ta chỉ sản xuất được hơn 1 triệu tấn thép, tương đương 1 tỷ USD trong khi lượng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa được sản xuất lên tới 7 tỷ USD. Như vậy, tính ra thép nhập siêu khoảng 6 tỷ USD. Thêm vào đó là tình trạng một số địa phương cấp giấy phép sai thẩm quyền cho nhiều dự án thép, các công ty thép phát triển tràn lan, không theo quy hoạch gây nên tình trạng mất cân đối trầm trọng. Thép xây dựng, ống thép, sơn phủ màu…đang dư thừa trong khi thép tấm, thép không gỉ…lại không được chú ý.
Theo thống kê, lượng thép tồn kho đã hơn nửa triệu tấn trong khi chỉ sản xuất ở mức 50% -60% công suất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều nhà máy thép không được đầu tư bài bản. Theo thống kê, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Vì vậy ngành thép sẽ không đủ sức mạnh khi hội nhập sâu với kinh tế khu vực.
Trước thực trạng trên Ông Cường đưa ra một số kiến nghị như: Phải chấn chỉnh việc cấp giấy phép đầu tư các dự án thép ở địa phương, thu hồi giấy phép các dự án không có trong quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư do Chính phủ đã ban hành. Để giảm bớt nhập siêu, cần ưu tiên các dự án nhà máy thép sản xuất các sản phẩm thép như: Thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chế tạo….Đồng thời ngành thép kiến nghị Chính phủ nên khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm thép đang dư thừa trong nước sang các nước trong khu vực và thế giới.