TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, vấn đề đáng lo ngại hiện nay không chỉ là tỷ lệ dư nợ tín dụng BĐS cao, mà còn là việc nhiều ngân hàng vẫn xem xét các khoản vay nội bộ cho các cổ đông lớn của các ngân hàng đồng thời là chủ đầu tư các dự án BĐS. “Rủi ro lớn nhất đối với các ngân hàng khi hệ thống này đóng cả hai vai là người đi vay và người vay”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bên
cạnh đó, việc giá BĐS đã bị đẩy cao hơn giá thực tế cũng là một rủi ro
khác của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, giá bất động sản cao khi nguồn vốn
vào thị trường BĐS bị khống chế dần khiến giao dịch trên thị trường giảm
mạnh và có nguy cơ đóng băng. Tình trạng này đang làm rủi ro tín dụng
BĐS tăng lên. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, nợ xấu BĐS đã tăng 37%.
Theo
báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân chính dẫn
đến giá BĐS tăng cao trong thời gian dài vừa qua là do quản lý BĐS không
minh bạch, chứ không phải do giới đầu cơ, bởi nếu đầu cơ thì chỉ có thể
gây sốt giá trong thời gian ngắn.
Nếu so sánh với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người thì tốc độ tăng giá nhà đất cao hơn rất nhiều và khoảng cách giữa tốc độ tăng giá nhà đất và tốc độ tăng thu nhập ngày càng doãng ra. Điều này cho thấy, đại đa số người dân ngày càng khó khăn trong việc có đủ nguồn tài chính thực hiện nhu cầu mua nhà đất, vì giá nhà đất tăng quá cao so với thu nhập bình quân của người dân hiện nay, nên thanh khoản của thị trường BĐS sẽ còn tiếp tục thấp.
Theo
ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nền kinh tế
Việt Nam có quy mô khoảng 100 tỷ USD, nhưng có tới gần 100 ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng còn phải cạnh tranh với hàng trăm công ty chứng
khoán, tài chính… trong việc tìm kiếm khách hàng cho vay. Sự cạnh tranh
quá mức giữa các ngân hàng cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng
tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực BĐS thời gian vừa qua do sự dễ dãi trong
việc xem xét tài sản thế chấp.