17/11/2012 7:46 PM
Những số liệu “vênh” nhau về tình hình nợ xấu cho thấy, việc nhìn thẳng, đánh giá đúng thực trạng nợ xấu vẫn là đòi hỏi cấp thiết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, trong số 4,93% nợ xấu theo thống kê của các tổ chức tín dụng, trên 80% nợ xấu này có tài sản bảo đảm và trong số này có 57% là bất động sản.

Trong số 2,7 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng, có 72% dư nợ có tài sản bảo đảm và trong số dư nợ có tài sản bảo đảm này có 66% tài sản bảo đảm là bất động sản. Tính ra, dư nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm khoảng 46%. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không đơn giản chỉ là việc bán tài sản và thu tiền.

Tài sản đảm bảo, có cũng như không!

Thực tế, có ngân hàng tài trợ cho dự án đóng tàu theo dự toán và khoản vay lên tới 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi con tàu đang đóng dang dở thì thị trường có biến động, suy thoái kinh tế khiến ngành đóng tàu suy giảm, ngân hàng đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục tài trợ thì việc bán tàu không giúp thu hồi khoản vay bởi giá tàu giảm mạnh, cuối cùng ngân hàng lựa chọn giải pháp ngưng tài trợ, chấp nhận dỡ tàu bán “sắt vụn”. Mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng tài sản bảo đảm gần như trở thành vô giá trị.

Có 66% tài sản bảo đảm là bất động sản

Một trường hợp khác, nhiều ngân hàng tranh chấp nhau khi xử lý tài sản bảo đảm là một kho hàng của DN. Ngay cả khi bán toàn bộ kho hàng đi cũng chỉ đủ trả cho khoảng 40% tổng số dư nợ của DN.

Những trường hợp trên cho thấy, mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng nợ xấu hoàn toàn không thể xử lý được. DN không có khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm từ có thành không, khoản cho vay của ngân hàng coi như mất trắng.

Đâu là nguyên nhân?

Về quy trình phê duyệt khoản vay, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng, cán bộ tín dụng có trách nhiệm thẩm định khoản vay, đánh giá các điều kiện vay, xem xét DN có đáng tin cậy, việc sử dụng khoản vay có đúng mục đích, khả năng trả nợ ra sao… Tuy nhiên, việc đánh giá, thẩm định khoản vay vẫn có thể sai lầm do thị trường, do bối cảnh kinh tế biến động dẫn đến ngay cả những thương hiệu lớn cũng sụp đổ. Do đó, tài sản bảo đảm là yếu tố quan trọng, được coi như phao cứu sinh giúp ngân hàng thu hồi vốn khi khách hàng không trả được nợ. Về nguyên tắc, tài sản bảo đảm phải có giá trị, dễ xử lý (không có vướng mắc về sở hữu), dễ quản lý (tránh mất mát) và phải đạt được yếu tố bảo vệ tài sản (tài sản bảo đảm là ô tô phải có bảo hiểm để phòng ngừa thiệt hại khi có tai nạn).

Như vậy, nếu nợ xấu có tài sảm bảo đảm thì ngân hàng sẽ xử lý được khoản nợ đó thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm. Nhưng thực tế, nhiều khoản nợ xấu thường đi kèm với việc không thể xử lý tài sản bảo đảm. Nguyên nhân là vì tài sản bảo đảm có tranh chấp, thanh khoản kém (như cổ phiếu OTC), bị giảm giá trị mạnh (như cổ phiếu hoặc bất động sản trong thời điểm hiện nay) và do bị dính líu vào vụ án lừa đảo. Yếu tố định giá cũng góp phần khiến nợ xấu khó xử lý khi định giá tài sản quá cao và khi xử lý chỉ thu được một phần nhỏ so với khoản vay.

Nợ xấu, đâu là con số thực?

Trong khi đó, những số liệu “vênh” nhau về tình hình nợ xấu cho thấy, việc nhìn thẳng, đánh giá đúng thực trạng nợ xấu vẫn là đòi hỏi cấp thiết. Theo số liệu công bố của 4 ngân hàng niêm yết thì đến hết quý III/2012, tỷ lệ nợ xấu của ACB là 2,08%, VCB là 3,21%, STB là 1,4%, EIB là 1,89%. Tỷ lệ nợ xấu bình quân của 4 ngân hàng này là 2,145%, được xem là khá “ổn” nếu so với tiêu chuẩn về nợ xấu dưới 3%, cũng như tỷ lệ nợ xấu tính theo báo cáo của tất cả các NHTM là 4,9%.

Tuy nhiên, con số 4,9% này khá xa so với tỷ lệ mà NHNN công bố là 8,82%, tỷ lệ 13% của một tổ chức quốc tế và 14,01% (chưa kể khoản lỗ của Vinashin) của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố. Điều này được lý giải là do quan điểm về nợ xấu khác nhau, song nó cũng thể hiện có thể có một con số không nhỏ nợ xấu không được đưa vào tổng dư nợ.

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư, thực tế có không ít trường hợp ngân hàng tài trợ cho DN những khoản lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng lách dưới vỏ bọc một giao dịch nào đó như tạm ứng thanh toán, đặt cọc giao dịch… Những khoản này đều không được tính vào hợp đồng tín dụng và do đó, ngay cả khi trở thành nợ xấu thì vẫn được để ngoài bảng. Việc đảo nợ, gia hạn nợ theo chính sách hiện nay khiến cho không ít khoản nợ xấu đang giấu mình trong khối nợ tốt và có lẽ chỉ chờ đến hạn là chuyển thành nợ xấu. Chưa kể, nợ trong hạn nhưng tài sản bảo đảm mất hết thì thực chất đây cũng là nợ xấu.

Theo định nghĩa nợ xấu của Việt Nam tại Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của NHNN thì “nợ xấu là những khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 (dưới chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có khả năng mất vốn)”. Cụ thể, nhóm 3 trở xuống gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày, đồng thời tại Điều 7 của Quyết định nói trên cũng quy định các NHTM căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp. Như vậy, nợ xấu được xác định theo 2 yếu tố: (i) đã quá hạn trên 90 ngày và (ii) khả năng trả nợ đáng lo ngại.

Theo Hoàng Duy (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.