Dãn nợ liên NH
Cuối năm 2011 đầu năm 2012, một số NHTM yếu kém sau khi hợp nhất, sáp nhập đã giải quyết được thanh khoản trên thị trường tiền gửi dân cư, nhưng chưa thể xử lý dứt điểm nợ trên thị trường liên NH. Lý do, NHNN chỉ tái cấp vốn giúp các NH này giải quyết chi trả tiền gửi cho dân, đảm bảo không đổ vỡ, chứ không giúp giải quyết nợ nần giữa các NH với nhau.
Thị trường liên NH không còn thời hoàng kim cho vay nhau dựa trên chữ tín, nó đã lành mạnh hơn. Vốn liên NH chủ yếu giải quyết nhu cầu thanh khoản, nên các chủ nợ cẩn trọng hơn cho vay, rà soát kỹ mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ của NHTM vay vốn. Việc kiếm lợi nhuận lớn trên thị trường liên NH năm 2013 sẽ không còn. Nhưng đây vẫn là kênh tiêu vốn ngắn hạn ưu tiên cho các NHTM khi dòng tín dụng trên thị trường dân cư còn ách tắc. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, |
Trao đổi với ĐTTC, một lãnh đạo NHTMCP cho biết năm 2012 tăng trưởng tín dụng NH ông thấp, nhưng lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi như tín dụng và dịch vụ vẫn khả quan.
Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn giảm mạnh so với năm trước do đà kéo của nợ xấu từ khách hàng và từ liên NH. Theo vị lãnh đạo này, vừa qua đã diễn ra một cuộc họp giữa các NHTM là chủ nợ và con nợ, có sự tham dự của NHNN, nhằm tìm giải pháp xử lý nợ liên NH.
Theo đó, có NHTM là con nợ của nhiều NH khác. Hướng giải quyết sau cuộc họp là chủ nợ dãn nợ liên NH thêm 2-3 năm và xem xét việc giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn, giúp con nợ giảm bớt áp lực nợ vay.
“Hầu hết chủ nợ đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bởi nếu ép con nợ vào thế bí, NH ấy đổ vỡ sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới cả hệ thống. Tuy nhiên, việc dãn nợ và tăng trích lập dự phòng trên thị trường liên NH sẽ khiến lợi nhuận của các NHTM trong năm 2012 giảm mạnh” - vị lãnh đạo này nói.
Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 69. Trong đó, bổ sung thêm quy định trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan tại NHTMCP yếu kém được cơ cấu lại vượt quá tỷ lệ 30% vốn điều lệ tại NHTM đó.
Đây là hướng mở giúp NHTM yếu kém có cơ hội tìm được nguồn lực tài chính bên ngoài để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, theo nhiều chuyên gia, dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn thích đầu tư vào ngành NH, nhưng e ngại tỷ lệ đầu tư quá thấp, quyền kiểm soát quản trị không có, sẽ khó giúp NH đó tái cơ cấu tốt và hiệu quả đầu tư sẽ thấp.
Tuy nhiên, nhiều NHTM là chủ nợ trên thị trường liên NH lại tỏ ra bi quan về phương án này khó giúp giải quyết nợ xấu liên NH trong năm 2013, mà có thể phải kéo dài vài năm tới.
Ưu tiên cho vay thế chấp
Theo số liệu của NHNN, trên thị trường liên NH doanh số giao dịch VNĐ tăng, USD giảm. Lãi suất giao dịch VNĐ bình quân tuần qua giảm ở các kỳ hạn 3 tuần, 6 tháng và 9 tháng với các mức giảm lần lượt 0,28%, 1,09% và 0,05%; các kỳ hạn còn lại lãi suất giao dịch bình quân tăng.
Trong đó các kỳ hạn qua đêm đến 2 tuần và 2 tháng có các mức tăng từ 2,16-2,54%; kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 12 tháng tăng lần lượt 0,64%, 1,17% và 0,56%.
Điều này cho thấy, bước vào thời điểm cận Tết Quý Tỵ, nhu cầu vốn ngắn hạn của các NHTM trên thị trường liên NH để giải quyết thanh khoản có tăng nhưng không cao so với thời điểm này các năm trước.
Đồng thời cũng cho thấy thanh khoản nhiều NHTM ổn định, thậm chí dư thừa vốn phải giảm mạnh lãi suất cho vay trên thị trường liên NH.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo NHTM, dù lãi suất cho vay liên NH hiện nay khoảng 5-6%/năm nhưng không phải NH nào cũng có thể vay được. Hiện nay nhiều NH đã rà soát các hạn mức cấp tín dụng trên liên NH và yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp, nhằm đảm bảo an toàn rủi ro.
Như vậy giao dịch vay vốn trên thị trường hiện nay vẫn ưu tiên thế chấp, không chỉ áp dụng với NHTM nhỏ mà cả NHTM lớn. Điều này xuất phát từ niềm tin trên thị trường liên NH giảm sút và bài học nợ xấu liên NH năm qua để lại “trái đắng” khá lớn cho các NHTM.
Hơn nữa, hiện nay những NHTM là con nợ trên thị trường liên NH hầu hết nằm trong diện bị NHNN giám sát, kiểm soát chặt chẽ, bị quản chặt lượng tiền vào ra, chỉ ưu tiên chi trả cho khoản tiền gửi đến hạn trên thị trường dân cư.
Điều này đồng nghĩa với việc nợ vay trên liên NH năm 2013 sẽ phải tiếp tục gia hạn. Các NHTM đã lỡ nếm “trái đắng” sẽ không muốn tăng thêm rủi ro trên thị trường liên NH.
Điều này cũng giải thích vì sao có nhiều NHTM thừa thanh khoản, giảm lãi suất huy động trên thị trường dân cư, nhưng cũng có NHTM vượt rào lãi suất để hút vốn trên dân cư. Đây là những NHTM không có tài sản thế chấp để vay lãi suất rẻ trên thị trường liên NH.