Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính từ cuối năm 2015 đến 28/11/2016, tăng trưởng tín dụng đạt 14,57%, khá thấp so với chỉ tiêu đặt ra trong năm 2016 là 18-20%. Trong khi đó, tính đến ngày 22/11/2016, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015.
Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế
Trên thị trường mở, nhằm duy trì thanh khoản dồi dào của hệ thống và giảm thiểu áp lực lên tỷ giá, NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, với mức lãi suất từ 1,5-2%/năm.
Tính đến giữa tháng 11/2016, NHNN đã bơm hơn 250.000 tỷ đồng vào nền kinh tế thông qua việc mua hơn 11 tỷ USD kể từ đầu năm, trong khi hút ròng qua OMO chỉ đạt 149.000 tỷ đồng.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, chính sách tiền tệ trong năm 2016 dường như được gián tiếp nới lỏng, do các biện pháp trung hòa chưa thực sự triệt để từ quá trình tích lũy ngoại tệ.
Dòng ngoại tệ mạnh mẽ do thặng dư cán cân thanh toán đã giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Một lượng lớn ngoại tệ được tích lũy mà chưa được trung hòa triệt để dẫn đến nguồn thanh khoản nội tệ dồi dào… Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các ngân hàng, việc dư tiền nếu có trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ là tạm thời.
Nguyên do bởi, nợ xấu của các ngân hàng dù đã chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhưng vẫn tồn đọng ở đó, do tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế.
Số liệu từ NHNN cho thấy, tính từ năm 2013 đến nay, tổng dư nợ gốc tại VAMC đạt 262.054 tỷ đồng. Dù đã nỗ lực thu hồi nợ dưới nhiều hình thức như bán nợ, bán tài sản đảm bảo..., nhưng đến nay, số nợ thu hồi được mới đạt 37.983 tỷ đồng, tương ứng 15 % dư nợ gốc nội bảng.
“Các món nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để và đang tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều ngân hàng”, ông Sebastian Eckardt nói.
Trong khi nợ xấu cũ mới chỉ giải quyết được phần nào, thì nợ xấu mới tiếp tục phát sinh. Chẳng hạn, tại Ngân hàng BIDV, sau 9 tháng đầu năm 2016, nhà băng này có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 46%, lên gần 7.000 tỷ đồng. Hay tại Vietcombank, mặc dù tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 9/2016 chiếm 1,73% tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm (1,84%), nhưng số nợ nghi ngờ lại tăng đột biến lên 1.745 tỷ đồng, tức tăng gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, tính đến tháng 8/2016, nợ xấu của toàn hệ thống là 147.000 tỷ đồng, chiếm 2,66% tổng dư nợ. Nếu tính cả nợ xấu mà các tổ chức tín dụng bán cho VAMC sau khi thu hồi nợ và xử lý rủi ro là 186.000 tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ xấu đến tháng 8/2016 lên tới 5,84%.
Trên thị trường liên ngân hàng, từ đầu tháng 12 cho đến nay, mặt bằng lãi suất ở các kỳ hạn tiếp tục tăng so với tháng trước, khi lãi suất qua đêm vẫn ở mức cao khoảng 3-3,3%/năm.
Cho dù nguyên nhân chính của việc lãi suất liên ngân hàng tăng được nhận định đến từ yếu tố mùa vụ, song với yếu tố không loại trừ được lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận do tác động của nợ xấu.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường ngoại hối trong tháng 11 có đột biến chủ yếu do yếu tố mùa vụ kết hợp tác động tâm lý của việc đồng USD tăng giá, nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như: thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào tháng 12; thứ hai, một số đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, nhất là đồng Nhân dân tệ; thứ ba, lạm phát có chiều hướng tăng.
“Áp lực tỷ giá đè lên lãi suất khi sự dịch chuyển gửi VND sang USD có thể diễn ra, từ đó gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng. Theo đó, các ngân hàng thương mại có thể phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng ở mức đủ hấp dẫn để hãm đà tăng của USD”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Bên cạnh đó, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 vẫn ổn định, nhưng các điều kiện để giảm lãi suất đang bớt thuận lợi hơn khi: CPI tăng nhanh trở lại kể từ tháng 10 và lãi suất của USD gần như chắc chắn tăng vào cuối tháng 12; cùng với đó là việc lãi suất trái phiếu chính phủ tăng khoảng 0,5% ở các kỳ hạn.
“Do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa, lãi suất liên ngân hàng tăng, nên lãi suất trái phiếu chính phủ có khả năng tăng nhẹ trong tháng cuối năm”, vị lãnh đạo trên nói.
Một nghiên cứu của Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, tuy thanh khoản của hệ thống tài chính Việt Nam khá tốt trong thời điểm này, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn khá “khó chịu”.
Các ngân hàng tiếp tục thận trọng bởi các khoản nợ xấu đang tăng trở lại trong những tháng gần đây. Do đó, lãi suất cho vay trong tháng cuối năm tuy sẽ ít biến động, nhưng cũng khó giảm bớt, ngay cả khi lãi suất chính sách đã giảm.
Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.