rước đây, khi mà Việt Nam vẫn công bố con số nợ xấu chỉ vài phần trăm, thì một số tổ chức quốc tế vẫn bảo lưu đánh giá của họ với mức độ có thể cao gấp nhiều lần.

Tấm rèm được gỡ dần đi, hay với chuẩn mực cao hơn, những ngân hàng yếu kém sẽ khó che giấu/phải đối diện những lỗ hổng của mình và buộc phải tìm đến tái cơ cấu.

Thế rồi, có người quan tâm tò mò hỏi đại diện một tổ chức, đại ý: vì sao các ông tính toán ra những con số đó, có công thức hay tiêu chuẩn ưu việt nào chăng?

Câu trả lời hóa ra đơn giản: lấy nợ từ nhóm 3-5 (nhóm gọi là nợ xấu) cộng thêm nợ nhóm 2 (chưa được xem là nợ xấu) thì ra kết quả (?).

Tình huống tháng 6/2014

Đó là câu chuyện bên lề được truyền tai. Cách tính của tổ chức trên hợp lý hay không cũng có ẩn ý: việc phân loại nợ và xác định nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam bị họ hoài nghi ở mức độ sát thực.

Nay, mức độ sát thực chắc chắn đã được cải thiện hơn nhiều trong tình huống của tháng 6/2014.

Cuối tuần qua, phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm. Nhìn chung, nợ xấu đồng loạt tăng, cùng với chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn.

Ngay cả những thành viên có tỷ lệ nợ xấu rất thấp những năm gần đây như Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng không tránh khỏi xu hướng chung.

Những thành viên lớn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank)… đều đã lần lượt gia nhập “câu lạc bộ quá 3%”; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã ngấp nghé (2,94%).

Tình hình chung, nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có những bước tăng mạnh và có những thành viên đã vượt 5%, thậm chí từ 7-8%... Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 (hiện chưa công bố) có thể cũng đã tăng mạnh sau khi giảm dưới 4% cuối 2013.

Nợ xấu tăng, dĩ nhiên là… xấu. Nhưng, ở góc độ của sự thật, tình huống tháng 6/2014 như trên có một phần tích cực.

Gỡ dần tấm rèm thưa

Nếu theo mức độ đánh giá của một số tổ chức quốc tế trước đây, các mức công bố chỉ vài phần trăm giống như một tấm rèm thưa vậy. Nợ xấu hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa thực sự lộ diện rõ ràng, đầy đủ và sát thực.

Nhưng cuối năm 2011, tấm rèm đó đã bắt đầu bị đụng đến. Trong lúc các dòng chảy thông tin phản ánh nợ xấu chỉ tăng từ 2,8% lên 3,4%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bất ngờ nói thẳng, mức độ có thể tới 10%.

Rồi lần lượt từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước từng bước gỡ dần “tấm rèm vài phần trăm” bằng các quyết định có sức chấn động lớn, đúng hơn là chấn chỉnh, đối với hệ thống.

Trước hết là việc quy hoạch lại thị trường liên ngân hàng bằng Thông tư 21. Tiền gửi ở đây được xác định là tiền vay, với hàm ý tiềm ẩn rủi ro. Thực tế, những món gửi trên liên ngân hàng trước đây bị quá hạn nhưng không được gọi là nợ xấu. Nay, chúng được nêu đích danh.

Nối tiếp, Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro (sau sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 09) là bước tiến lớn đối với yêu cầu nhận diện rõ mức độ nợ xấu ẩn sau tấm rèm đó. Điều này cũng giải thích vì sao, xét ở góc độ của sự thật, nợ xấu tăng trong tình huống tháng 6/2014 nói trên có phần tích cực.

Thông tư 02/Thông tư 09 bị trì hoãn, do áp lực quá lớn đối với hệ thống. Nhưng từ 1/6/2014, những quy định và tiêu chuẩn khắt khe hơn để phân loại nợ bắt đầu áp dụng. Nó lập tức là một trong những nguyên nhân chính yếu khiến nợ xấu các ngân hàng đồng loạt tăng, dù chỉ sau một tháng có hiệu lực.

Trước hết, dù chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tương ứng trong kỳ, thực hiện Thông tư 09, các ngân hàng buộc phải gọi đúng tên nợ xấu cho các khoản tiền gửi quá hạn tại ngân hàng khác, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà không “đáo hạn” nổi…

Nói cách khác, phạm vi phân loại tài sản hay vùng nhận diện nợ xấu khi thực hiện Thông tư 09 đã mở rộng hơn, gắn với các tiêu chuẩn phân loại khắt khe so với cơ chế trước (theo Quyết định 493).

Thứ nữa, nếu để ý có thể thấy nợ chuyển nhóm trong báo cáo tài chính nhiều ngân hàng ở tình huống tháng 6/2014 tăng lên mạnh, dù tỷ lệ nợ xấu chung có thể không bị đội nhiều. Ở đây có bóng dáng của sự chuyển tiếp Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm sang chốt chặn của Thông tư 09.

Hơn một năm trước, các ngân hàng được thực hiện Quyết định 780, một phần lớn nợ xấu ẩn sau tấm rèm mà chưa được gọi đúng tên. Đến 1/6/2014, với Thông tư 09, những khoản không thể hồi sinh từ cơ hội được cơ cấu lại, buộc phải ghi nhận đúng nhóm. Nợ xấu tăng thêm một phần từ đây.

Thông tư 09 chưa chặn hết cơ hội cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, nhưng điều kiện đưa ra đã chặt chẽ hơn nhiều. Cùng đó, mỗi khoản chỉ được xem xét cơ cấu lại 1 lần duy nhất.

Theo lộ trình Thông tư 09, đến 1/1/2015, các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn nữa (theo kết quả xếp hạng của Trung tâm Thông tin tín dụng), cùng với việc ngừng tái cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm từ 1/4/2015, nợ xấu sẽ lộ diện rõ ràng và sát thực hơn nữa.

Vì sao lại gỡ?

Nợ xấu đã xấu rồi. Mức khoảng 10% cũng đã được cảnh báo từ cuối năm 2011. Vấn đề còn lại là việc xử lý. Còn câu hỏi liên quan, vì sao Ngân hàng Nhà nước lại gỡ dần tấm rèm trước đó?

Khi quy hoạch lại thị trường liên ngân hàng, đặc biệt là khi ban hành Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường minh bạch và an toàn hoạt động. Hẳn họ cũng đã trù tính tác động của chính sách, nợ xấu và những yếu điểm của hệ thống sẽ bộc lộ rõ hơn.

Các yếu điểm bộc lộ rõ hơn tạo điều kiện để xác định các giải pháp, yêu cầu và liều lượng xử lý sát thực hơn. Dù hiện nay, những gì dần bộc lộ đang đặt ra thử thách lớn.

Khi các yếu điểm bộc lộ rõ hơn, quá trình tái cơ cấu hệ thống có thêm cơ sở để dồn đẩy. Bởi lẽ, tấm rèm được gỡ dần đi, hay với chuẩn mực cao hơn, những ngân hàng yếu kém sẽ khó che giấu/phải đối diện những lỗ hổng của mình và buộc phải tìm đến tái cơ cấu.

Với công chúng, có thể có thêm lo ngại khi thấy nợ xấu đồng loạt tăng, nhưng ít nhất họ đang dần được nhìn một bức tranh từng bước đầy đủ và chân thực hơn.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.