04/12/2012 7:47 AM
Cho rằng tình hình nợ xấu tại Việt Nam chưa tới mức “bi kịch” nhưng các chuyên gia nước ngoài đề nghị Chính phủ có những giải pháp nhanh chóng và quyết liệt để xử lý.

Lần đầu tiên trong lịch sử 15 năm hoạt động, Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) dành một phần lớn thời lượng cho đại diện 4 ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam nói về vấn đề xử lý nợ xấu. Thông điệp chung được đưa ra là cơ quan quản lý cần có những giải pháp nhanh chóng và quyết đoán hơn nữa để xử lý, trước khi vấn đề bị đẩy xa hơn.

Giải quyết nợ xấu trở thành trọng tham vấn của các ngân hàng ngoại tại VBF năm nay. Ảnh: Đ.T

Theo Trưởng nhóm công tác về ngân hàng của VBF - Louis Taylor, dù nợ xấu đã trở thành một vấn đề được bàn luận rộng rãi tại nhiều diễn đàn thời gian qua nhưng bản chất, mức độ cũng như quy mô nợ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là điều mà ngay chính những người trong nghề cũng chưa biết rõ. “Các ngân hàng báo cáo là 4,43%. Thống đốc cho biết là 8,8% nhưng nhiều đồn đoán cho rằng phải gấp đôi con số đó”, ông nói. Ông Taylor hiện là Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam.

Theo ông Taylor, nếu lấy con số 8,8% làm chuẩn thì quy mô nợ xấu khoảng 12 tỷ USD và nếu áp dụng tỷ lệ tổn thất ở các thị trường khác (40%) thì lượng vốn mà các ngân hàng có thể bị thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, tương đương 5% GDP.

Các chuyên gia trong nhóm công tác ngân hàng cùng đánh giá mức nợ này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và thấp hơn nhiều so với con số khi các nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan hay Hàn Quốc phải xử lý trong các cuộc khủng hoảng nợ xấu trước đây. “Thậm chí với mức nợ gấp đôi con số nêu trên, chúng tôi vẫn tin rằng có thể xử lý được”, ông Louis nói.

Vấn đề quan trọng, theo nhóm công tác ngân hàng là phải xác định được ai sẽ chịu phí tổn cho các khoản nợ xấu đó: “Nhà nước, chủ ngân hàng hoặc một sự kết hợp giữa hai bên”, nhóm này gợi ý.

Trong trường hợp của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Nhà nước sẽ phải có vai trò trong quá trình này. Tuy nhiên, chi phí mà Chính phủ phải chịu cần được giảm thiểu tối đa, trong khi các “ông chủ” ngân hàng cần đóng vai trò chính. “Ngân hàng phải dùng chính vốn chủ sở hữu của mình đề bù đắp tổn thất. Dù khó khăn với cổ đông, nhưng đây sẽ chính là bài học lớn nếu ngân hàng đó muốn tiếp tục tồn tại và phát triển’, ông Louis đề xuất.

Tổng giám đốc Citibank Việt Nam - Brett Krause cho rằng trong quá trình tái cơ cấu nợ xấu, nhất thiết phải thành lập các công ty quản lý tài sản (AMC). Nhờ các công ty này, ngân hàng sẽ không phải lo tới việc xử lý các món nợ xấu, có thể tập trung vào ngành nghề chính trong khi có thể thu lại một nguồn vốn không nhỏ từ việc thanh lý tài sản.

“Điều quan trọng là cần thiết lập một cơ chế để các ngân hàng có thể bán lại nợ với giá hợp lý, theo thị trường. Nhân sự của các công ty này cũng cần có kinh nghiệm, có thể phải tính tới việc thuê ngoài”, ông Krause tham vấn.

Để giải quyết nợ xấu, chuyên gia cho rằng Chính phủ cần "dũng cảm và quyết đoán". Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài ra, Tổng giám đốc Citibank cũng cho rằng sự tồn tại của các AMC cần có thời gian cố định, thông thường là 5 - 7 năm. “Thời gian này không quá ngắn khiến các AMC phải bán vội tài sản, gây vấn đề về thanh khoản. Cũng không quá dài để khiến họ có thể giữ lại, khiến các món nợ đã xấu, lại càng xấu đi”, ông này nói.

Cùng với việc xử lý nợ xấu, các chuyên gia cũng hiến kế cho Chính phủ về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng. Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam - Sumit Dutar, trước hết cần phân loại những nhà băng có thể hoạt động tốt để hỗ trợ, còn lại có thể cho đóng cửa, sau khi bán những khoản nợ còn đủ tốt cho các AMC.

Về nguồn lực tái cấp vốn, đại diện HSBC cho rằng có 3 khu vực chính là nhà đầu tư nội địa, Nhà nước và khối đầu tư nước ngoài. Do cả 3 đối tượng này đều có những hạn chế riêng ở thời điểm hiện tại (trong nước bị giới hạn về nguồn lực, khối ngoại bị giới hạn về tỷ lệ góp vốn) nên cơ quan chức năng cần linh hoạt để đảm bảo hiệu quả tái cơ cấu.

Bên cạnh những khuyến nghị nêu trên, cùng với Tổng giám đốc ANZ Việt Nam - Tareq Muhmood cũng dành khá nhiều thời gian để tham vấn các vấn đề liên quan để sở hữu chéo ngân hàng và việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến ngân hàng tại Việt Nam. Trong khi việc sở hữu chéo được đánh giá là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hiện nay thì theo ông Muhmood, việc ban hành rồi sửa đổi liên tiếp các văn bản pháp luật (chẳng hạn như Thông tư 13 được sửa 2 lần, nay lại tiếp tục được sửa đổi) đang gây khó cho nhà đầu tư.

Đáp lại những đóng góp nêu trên từ phía các nhà băng nước ngoài, tại diễn đàn sáng 3/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đặng Thanh Bình lại dành khá nhiều thời gian để thông báo những kết quả mà cơ quan điều hành tiền tệ đạt được trong lĩnh vực chống lạm phát, ổn định tỷ giá, tái cơ cấu ngân hàng… thời gian qua.

Về xử lý nợ xấu, ông Bình cũng có những nhận định tương đối tích cực khi cho biết Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đưa những khoản nợ khó đòi này về 3% vào năm 2015. Trong khi đó, với vấn đề sở hữu chéo, đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đây là hoạt động không được luật (Luật Tổ chức tín dụng 2010) cho phép nhưng vẫn diễn ra do nguyên nhân “lịch sử”. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang cùng các cơ quan chức năng rà soát, tạo điệu kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

Theo Nhật Minh - Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.