17/05/2012 2:57 PM
Việc Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình đồng nghĩa sẽ ngày càng tiếp cận các nguồn không còn nhiều ưu đãi. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn.

Trên thực tế, chúng ta đã có nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát nợ công ở ngưỡng an toàn, nhưng tại hội nghị quốc tế về quản lý nợ công tại Việt Nam 2012, nhiều kinh nghiệm chia sẻ quốc tế cho thấy nước ta vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương.

Theo ông Sudarshan Gooptu, Giám đốc Ban chính sách kinh tế và quản lý nợ công của Ngân hàng Thế giới (WB), điểm đáng lo ngại trong chính sách quản lý nợ công hiện nay xuất hiện từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Một trong những rủi ro là việc Nhà nước giao cho DNNN thực hiện những mục tiêu phi thương mại (đôi khi không được Nhà nước thanh toán) sẽ khiến doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu này chịu tổn thất (về mặt kỹ thuật) và đặt giá sai.

Kéo theo đó là sự cho phép các khoản nợ được lũy kế, trợ cấp tín dụng và bảo lãnh cho DNNN. Điều này khiến tỷ lệ nợ cao (nợ thuế, nhà cung cấp, DNNN khác), từ đó DNNN có thể yêu cầu được tăng vốn, giải cứu tài chính, làm sạch bản cân đối kế toán. Hệ quả tiếp theo là rủi ro về mặt đạo đức, giảm khả năng tài chính, chi phí vay nợ cao.

Trong rủi ro tài chính, DNNN sẽ đóng góp trên 2 khía cạnh trực tiếp và tiềm ẩn. Với nợ trực tiếp, đó là những khoản trợ cấp và chuyển trực tiếp bao gồm cả việc chi trả nghĩa vụ phi thương mại; cho vay lại; những khoản nợ đối với Nhà nước; nợ chiếm dụng lẫn nhau giữa các DNNN.

Ở khía cạnh tiềm ẩn là các khoản bảo lãnh của Chính phủ đối với nợ của DNNN; mất khả năng chi trả những khoản nợ không được bảo lãnh (cứu trợ tài chính, bơm thêm vốn) và xóa các khoản nợ của DNNN.

Để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính minh bạch và kỷ luật ngân sách, chính sách về nợ tiềm ẩn chung cần được Quốc hội thông qua. Trong đó, ít nhất phải đặt ra một giới hạn hàng năm về mức bảo lãnh song song với giới hạn về vay nợ.

TS. Yaga Venugopal Reddy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nhận định có rất nhiều các khoản nợ tiềm ẩn, trong đó bao gồm không chỉ thư bảo lãnh, thư chấp thuận, nợ của DNNN mà còn các khoản nợ tiềm ẩn không rõ ràng phát sinh do những yếu kém trong hệ thống ngân hàng.

Do đó, tính bền vững về nợ được xem xét rộng hơn, dưới quan điểm là các rủi ro tài chính được bắt nguồn từ các khoản nợ tiềm ẩn. Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Cộng hòa Iceland là việc suy giảm khả năng cạnh tranh, cán cân thanh toán yếu đi, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và giá bất động sản tăng nhanh là những dấu hiệu ban đầu; các ngân hàng cạnh tranh giành thị phần mà không tính toán đầy đủ rủi ro; tập trung cho vay ngành bất động sản…

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31-12-2011, nợ nước ngoài của nước ta ước khoảng 1.042.000 tỷ đồng, bằng 41,5% GDP năm 2011. Đây là mức nằm trong phạm vi giới hạn an toàn (theo Nghị quyết của Quốc hội, kiểm soát dư nợ công đến năm 2015 dưới 65% GDP, nợ chính phủ, nợ quốc gia dưới 50% GDP).

Xét về khía cạnh bền vững nợ, cho thấy nợ vay dài hạn, lãi suất ưu đãi là chủ yếu trong cơ cấu nợ nước ta. Trong đó, vốn vay ODA chiếm 75% và phần lớn số vốn này có lãi suất thấp. Theo đánh giá của các tổ chức uy tín như WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công hiện nay của Việt Nam vẫn nằm trong mức an toàn.

Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng vấn đề an ninh tài chính của Việt Nam sẽ khó tiếp tục an toàn cho đến năm 2020, nếu như ngay từ bây giờ không có sự điều chỉnh chiến lược tài chính và mô hình tăng trưởng hợp lý hơn.

Với cú sốc nội tại của nền kinh tế (như tăng trưởng GDP sụt giảm, biến động mạnh về tỷ giá hối đoái…) hay cú sốc từ những quốc gia có những định chế tài chính là chủ nợ, có thể thấy sự an toàn tài chính quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (vào thời điểm đầu năm 2012 luôn ở mức xấp xỉ 11%/năm cho mọi kỳ hạn), thậm chí cao hơn lãi suất trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp (9,7% cho kỳ hạn 2 năm) vào thời điểm Hy Lạp đang rơi vào khủng hoảng nợ.

Điểm khác cần lưu ý là IMF dự báo đến năm 2015 nợ công của Việt Nam vào khoảng 86 tỷ USD. Theo các tính toán, đầu tư công của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Để hoàn thành dự án Việt Nam phải vay trong nước và nước ngoài phần lớn. Do vậy, ngân sách đứng trước vòng xoáy nợ nần với quy mô ngày càng lớn.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.