15/05/2016 1:47 PM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo đối với công tác quản lý và sử dụng nợ công gắn với trách nhiệm người ra quyết định vay và sử dụng vốn.
Đến cuối 2015, nếu tính trung bình, mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh 1.016 USD nợ của đất nước.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công một cách nghiêm túc, đầy đủ và thực hiện theo đúng quy định các nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, gắn trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ để có thêm cơ sở xây dựng và ban hành các văn bản thi hành các quy định về: quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; cho vay lại chính quyền địa phương; thẩm định tài chính các dự án cho vay lại, đăng ký khoản vay nợ công theo quy định.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm của người vay lại; nghiên cứu đề án mở rộng cho chương trình, dự án đầu tư vay lại qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng để báo cáo Chính phủ, làm cơ sở xây dựng Nghị định mới về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong khuôn khổ hướng dẫn Luật Quản lý nợ công sửa đổi.
Đồng thời xây dựng cơ chế huy động vốn vay IBRD (Ngân hàng Tái thiết Phát triển Quốc tế)/OCR (vốn vay thông thường) để tạo bước đệm khi chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức), vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường sau khi Việt Nam tốt nghiệp IDA (vốn vay ưu đãi). Xây dựng phương án cân đối nguồn trả nợ tăng thêm khi Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn tốt nghiệp IDA.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, hiện Việt Nam có mức nợ công đạt khoảng 62,2% GDP, cao hơn hẳn các nước trong ASEAN, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan, nước có mức nợ công/GDP đứng sau Việt Nam.
Điều đáng lo ngại, không những nợ công tăng khá nhanh trong giai đoạn 5 năm qua mà nghĩa vụ trả nợ công cũng đang tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185,8 nghìn tỷ đồng năm 2013 lên 296,2 nghìn tỷ đồng năm 2015.
Nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,4 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu nghiên cứu của The Econnomist, đến cuối 2015, nếu tính trung bình, mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh 1.016 USD nợ của đất nước. Đây là con số gấp 4 lần số nợ công của Việt Nam vào thời điểm cách đây hơn 10 năm ( nợ công là 22,3 tỷ USD, bình quân 268 USD mỗi người).
Bộ Tài chính mới đây đã trình kế hoạch vay và trả nợ công trong 5 năm tới với tổng nhu cầu vay cho ngân sách Nhà nước (chưa bao gồm vay về cho vay lại) giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.265 nghìn tỷ đồng, bình quân 450 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2020 khoảng 540 nghìn tỷ đồng là rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nợ công cao nhất ở mức 64,5% GDP vào năm 2016, nợ Chính phủ cao nhất ở mức 52,2% GDP vào năm 2016 và nợ nước ngoài của quốc gia cao nhất ở mức 47,7% GDP vào năm 2020.
Bảo Quyên (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.