Ai vẽ “con đường ma” trên đất dân?
Như Dân trí đã phản ánh, gia đình Mạc Vương Tuyên, thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) có thửa đất diện tích 646,4m2, được UBND thành phố Ninh Bình cấp GCNQSDĐ ngày 14/4/2008 (thửa đất số 260, tờ bản đồ số 11).
Sổ đỏ UBND thành phố Ninh Bình cấp cho thửa đất của gia đình ông Mạc Vương Tuyên.
Tháng 8/2018, gia đình ông Tuyên tiến hành xây tường bao quanh diện tích đất đã được cấp sổ đỏ. Lúc này, UBND xã Ninh Nhất cử cán bộ về kiểm tra, sau đó lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung: “Hộ ông Tuyên đã xây dựng tường bao trên đất nông nghiệp đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất…”.
Gia đình ông Tuyên chưa khỏi ngỡ ngàng với việc bị UBND xã Ninh Nhất lập biên bản vi phạm hành chính khi xây tường bao trên đất đã được cấp sổ đỏ, thì bất ngờ hơn khi phát hiện ngay trên thửa đất của gia đình bỗng nhiên xuất hiện một “con đường ma”. Con đường này đi từ đường tránh Quốc lộ 1A, qua đất của gia đình vào thẳng đất hộ ông Nguyễn Như Dược là bố đẻ của ông Nguyễn Như Bằng - Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất (đã bị kỷ luật, cho nghỉ việc tháng 10/2019 - PV).
Theo điều tra của PV, “con đường ma” xuất hiện trên thửa đất của hộ ông Tuyên là khá bất ngờ. Trong trích lục bản đồ địa chính năm 1986, 1997, 2006 xã Ninh Nhất đều không thể hiện việc có con đường đi qua thửa đất của gia đình ông Mạc Vương Tuyên. Các trích lục cũng như trên sổ đỏ của gia đình ông Tuyên đều cho thấy, thửa đất của gia đình là liền thổ. Trước khi được cấp GCNQSDĐ năm 2008, việc đo đạc, vẽ bản đồ năm 2006 cũng không hề thể hiện có con đường này. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao trên trích lục bản đồ xã Ninh Nhất năm 2009 lại xuất hiện “con đường ma” này?.
"Con đường ma" xuất hiện trên bản đồ xã Ninh Nhất năm 2009, nhưng không có trong sổ đỏ của gia đình ông Tuyên.
Tại buổi làm việc với PV trước đó, ông Nguyễn Như Bằng thừa nhận, ông Nguyễn Như Dược là bố đẻ mình, thửa đất mang tên ông Dược là của họ hàng nhờ trông giữ. Còn về con đường đi qua đất đã được cấp sổ đỏ của hộ ông Tuyên, ông Bằng cho rằng đã có từ trước, các tờ bản đồ trước đó cũng thể hiện rõ. Ông phủ nhận không có liên quan đến con đường này vì khi đó làm Bí thư Đảng ủy xã.
“Ngâm” chỉ đạo của Chủ tịch thành phố?
Sau khi báo Dân trí phản ánh bài viết: “Con đường ma” bất ngờ xuất hiện trên đất dân đi thẳng vào đất người nhà Chủ tịch xã! (ngày 13/3/2019), đến ngày 27/3/2019, ông Đinh Văn Thứ - Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình có văn bản số 414/UBND-TNMT về việc “Chỉnh lý bản đồ tại thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình”.
Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình chỉ đạo: Giao UBND xã Ninh Nhất chủ trì phối hợp với Phòng TNMT thành phố và Văn phòng đăng ký đất đai thành phố “thực hiện chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính thửa đất số 260, tờ số 11, bản đồ chính lý năm 2009, thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, theo diện tích, hình thể thửa đất như hiện trạng mà hộ gia đình ông Mạc Vương Tuyên đang sử dụng”.
Văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình sau khi báo Dân trí phản ánh từ tháng 3/2019.
Sau khi có chỉ đạo này, không hiểu UBND xã Ninh Nhất (thời điểm này ông Nguyễn Như Bằng đương chức Chủ tịch UBND xã), Phòng TNMT thành phố và Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Ninh Bình thực hiện ra sao mà “con đường ma” trên đất hộ ông Mạc Vương Tuyên vẫn không bị xóa bỏ.
Ông Mạc Vương Thơ là con trai ông Tuyên sau đó rất nhiều lần làm đơn, gõ cửa các cơ quan công quyền từ thành phố Ninh Bình đến UBND tỉnh, Tỉnh ủy Ninh Bình yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc. Tuy nhiên, sau đó nhiều tháng trôi qua sự việc vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Ngay cả khi ông Nguyễn Như Bằng đã bị kỷ luật, cho nghỉ việc về những sai phạm.
Gần đây nhất, trong buổi tiếp công dân của ông Lê Hữu Quý – Bí thư Thành ủy Ninh Bình, ông Mạc Vương Thơ đã trao đổi về sự việc nêu trên, đồng thời nêu rõ sự cương quyết sẽ đấu tranh đến cùng nếu như cơ quan công quyền thành phố Ninh Bình không giải quyết dứt điểm vụ việc “con đường ma” đi trên đất của gia đình. Ngay sau đó, ông Quý đã có chỉ đạo Trưởng Phòng TNMT thành phố Ninh Bình nhanh chóng vào cuộc giải quyết quyền lợi cho gia đình ông Thơ.
Ngày 15/1/2020, các cơ quan chức năng của thành phố Ninh Bình mới có biên bản chính thức xóa "con đường ma" trên đất gia đình ông Tuyên.
Cho đến ngày 15/1/2020, tại Trụ sở ban tiếp công dân thành phố Ninh Bình, Phòng TNMT thành phố Ninh Bình, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, UBND xã Ninh Nhất đã tổ chức cuộc họp (có gia đình ông Thơ) để thực hiện việc chỉnh lý bản đồ.
Biên bản buổi làm việc nêu rõ: Thực hiện văn bản số 414/UBND-TNMT về việc “Chỉnh lý bản đồ tại thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình”, Phòng TNMT tổ chức buổi làm việc thông báo kết quả như sau: Việc cấp GCNQSDĐ mang tên ông Mạc Vương Tuyên tại thời điểm năm 2006 là đảm bảo theo quy định (GCNQSDĐ AM 378826, diện tích 646,6m2). Việc chỉnh lý một phần diện tích đất của hộ gia đình ông Mạc Vương Tuyên thành ngõ đi chung và 119,0m2 đất vườn vào thửa 230, tờ số 11 là không đúng theo hiện trạng thực tế gia đình đang sử dụng và Giấy chứng nhận đã được cấp cho gia đình ông Tuyên.
Trao đổi với PV, ông Mạc Vương Thơ cho hay, không hiểu lý do vì sao mà Phòng TNMT thành phố, UBND xã Ninh Nhất, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố là các đơn vị được Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ phải chỉnh lý bản đồ cho gia đình tôi từ tháng 3/2019, nhưng đến ngày 15/1/2020 họ mới làm việc này. “Các cơ quan chức năng của UBND thành phố Ninh Bình đã “ngâm tôm” hồ sơ giải quyết sự việc thỏa đáng cho dân quá lâu (gần 1 năm), phải chăng có sự khuất tất và bao che cho sai phạm. Việc “ngâm” chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố của các đơn vị trên liệu có bị xử lý kỷ luật theo quy định không”, ông Thơ đặt câu hỏi.
-
Cầu 361 tỷ đồng nối Nam Định với Ninh Bình sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán
Cầu Bến Mới có giá trị hợp đồng gần 361 tỷ đồng. Trong đó, phần cầu chính dài hơn 648m (tính đến đuôi mố) được đầu tư quy mô 2 làn xe cơ giới. Đường hai đầu cầu được đầu tư với bề rộng 9m....
-
Ninh Bình đề xuất dừng vận hành và di dời nhà máy nhiệt điện 51 năm tuổi
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình hoạt động từ năm 1974 với công nghệ cũ, lạc hậu, công suất nhỏ. Do đó, tỉnh Ninh Bình đề xuất EVN xem xét dừng vận hành nhà máy để thực hiện quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050....
-
Thành phố mới của Ninh Bình chính thức hoạt động
Ngày đầu tiên của năm 2025, HĐND thành phố Hoa Lư đã họp kỳ đầu tiên sau khi thành lập thành phố Hoa Lư và chính thức đi vào hoạt động.