Khu nhà xưởng và trạm trộn bêtông của Cty Thiên Phú tại xã Gia Trấn. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã nhiều lần có văn bản yêu cầu UBND huyện Gia Viễn, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, đến nay những công trình vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại, gây mất an toàn cho việc bảo vệ hành lang đê điều và ảnh hưởng đến việc thoát lũ trên hệ thống sông Hoàng Long và sông Đáy.
Theo đó, hàng loạt nhà xưởng sản xuất, trạm trộn bêtông, bãi cát trái phép được xây dựng và tập kết dọc theo tuyến đê sông Hoàng Long, sông Đáy thuộc địa bàn huyện Gia Viễn từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trong đấy có những vụ vi phạm được cho là nghiêm trọng và tồn tại từ nhiều năm nay nhưng vẫn không bị xử lý như Cty TNHH Thiên Phú, Doanh nghiệp Hùng Cường, Nhà máy ximăng The-Vissai, Cty TNHH một thành viên Linh Nhung…
Cụ thể như: Cty TNHH Thiên Phú đã ngang nhiên cho xây dựng nhà xưởng, cầu cảng, nhà điều hành, lắp đặt trạm trộn bêtông và tập kết vật liệu ngay ở bãi sông. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thoát lũ và bảo vệ hành lang an toàn đê điều.
Trước thực trạng trên, ngày 20.7.2018, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Phòng chống thiên tai đã kiểm tra và lập biên bản chỉ rõ những sai phạm của Cty Thiên Phú như: Xây dựng 2 cầu cảng trên bãi sông chưa có cấp phép, xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành trên bãi sông với diện tích 1.000m2, lắp đặt trạm trộn trên bãi sông không có giấy phép…
Ngày 13.8.2018, UBND huyện Gia Viễn cũng đã có văn bản yêu cầu UBND xã Gia Trấn phải xử lý những vi phạm trên theo đúng thẩm quyền. Phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động Cty Thiên Phú tự tháo dỡ và di dời công trình vi phạm ra khỏi bãi sông. Nếu công ty cố tình không chấp hành thì UBND xã và các lực lượng chức năng lập phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện tiến hành giải tỏa những vi phạm của Cty Thiên Phú xong trước ngày 10.9.2018.
Ngoài Cty Thiên Phú, Cty TNHH một thành viên Linh Nhung cũng là một trong những đơn vị vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều tại khu vực đê tả sông Hoàng Long thuộc xã Gia Phú. Cụ thể, công ty này đã tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng nhà xưởng sản xuất dăm gỗ trên diện tích hàng nghìn mét vuông và tiến hành lắp đặt băng tải, trạm cân, tường bao… và ngang nhiên hoạt động trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ sông Hoàng Long từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại việc xử lý những vi phạm pháp luật về đê điều của Cty Thiên Phú và những cá nhân, doanh nghiệp khác ở đây vẫn chưa có chuyển biến. Mọi hoạt động ở đây vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có bất cứ cuộc kiểm tra hay văn bản chỉ đạo yêu cầu tháo dỡ nào.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND huyện Gia Viễn cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện đang tồn tại 13 vụ vi phạm pháp luật về đê điều ở khu vực đê tả sông Hoàng Long và khu vực đê hữu sông Đáy. Các vi phạm chủ yếu là do một số cá nhân, doanh nghiệp tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, tập kết vật liệu xây dựng.. trong hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ.
“Việc xử lý những vi phạm, yêu cầu tháo dỡ và di dời những công trình vi phạm ở đây gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp vi phạm đã tồn tại từ rất lâu, một số doanh nghiệp như Cty Thiên Phú hay Cty Linh Nhung… rất khó xử lý vì đây là những chỗ nhạy cảm” - đại diện lãnh đạo huyện Gia Viễn nói.
-
Quy hoạch đô thị loại I có tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ tại Miền đất cố đô
Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 do Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn làm Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
-
“Ông lớn” năng lượng Phần Lan thông tin về dự án chuyển đổi nhà máy nhiệt điện 50 năm tuổi tại Ninh Bình
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đại diện tập đoàn Wartsila và EVN GENCO3 đã báo cáo về tiến độ hợp tác trong dự án chuyển đổi nhà máy nhiệt điện Ninh Bình sang công nghệ Điện linh hoạt ICE....
-
Ninh Bình chuyển hơn 38ha rừng cho doanh nghiệp sản xuất xi măng
38,17ha đất rừng tại thành phố Tam Điệp vừa được UBND tỉnh Ninh Bình chuyển đổi sang mục đích khác để khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng.