31/10/2016 9:07 PM
Trong các thương hiệu “cây đa cây đề” của ngành xây dựng, những tên tuổi như HUD, Sông Đà, Vicem, Idico, Coma… đến nay đa phần chỉ còn là cái bóng của chính mình. Khi những biến chuyển bất ngờ của thị trường làm bộc lộ gót chân Asin của DN, cơ quan quản lý đang nỗ lực giải bài toán “tồn tại hay không tồn tại” của một số đơn vị hàng đầu trong ngành.

Ngày 7/10 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có công văn 2192 /BXD-QLDN gửi các nhà đầu tư trong và ngoài nước về việc kêu gọi đầu tư vào Tổng công ty Sông Đà, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM).

Đây là các DNNN hàng đầu trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng công trình thủy điện, dân dụng và công nghiệp, KĐT, khu công nghiệp, sản xuất VLXD, kinh doanh BĐS… với uy tín, bề dày kinh nghiệm hàng chục năm trên thị trường và từng ghi nhận nhiều đóng góp cho phát triển ngành xây dựng cũng như nền kinh tế nói chung.

Chờ đợi phép màu

Việc Bộ chủ quản kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư là nhằm phấn đấu đạt các mục tiêu CPH doanh nghiệp với mong muốn mở rộng tìm kiếm hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực phù hợp, đặc biệt là các nhà đầu tư cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, có công nghệ hiện đại – năng lực tài chính, cam kết gắn bó lâu dài với các DN cùng tham gia sở hữu, quản lý các Tổng công ty hiện do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.

Còn nhớ, hồi giữa năm, thông tin phát đi từ Bộ Xây dựng cho biết, tiến trình CPH 3 “ông lớn” ngành xây dựng (Sông Đà, IDICO và HUD) đã phải giãn đến quý II/2016 bất chấp mục tiêu hoàn thành đặt ra là trong năm 2015(!)

Theo Báo cáo từ Bộ Xây dựng, tiến độ để hoàn thành công tác xác định giá trị DN, xây dựng phương án CPH tại 3 tổng công ty này phải tiếp tục dời sang quý IV, đồng thời Bộ Xây dựng vẫn triển khai việc xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án CPH tại công ty mẹ của VICEM.

Nguyên nhân chủ yếu do các Tổng công ty đang thực hiện CPH đa số có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng. Điều này dẫn đến việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để CPH gặp nhiều khó khăn vướng mắc – gây kéo dài thời gian thực hiện.

Những “người khổng lồ” như HUD đang trở thành cái bóng của chính mình?!

Do đó, một trong những trọng tâm công tác của ngành xây dựng thời gian tới vẫn là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu và CPH; thực hiện IPO, Đại hội cổ đông lần đầu các DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa để chuyển sang hình thức công ty cổ phần như Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO), Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA), Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC).

Hiện, Bộ Xây dựng đang tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty rà soát các danh mục thoái vốn chưa thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 để hoàn thành công tác thoái vốn theo đề án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai phương án sắp xếp doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Gian nan “ngày trở lại”

Cuối tháng 9 vừa qua, một thông tin đáng chú ý từ Sông Đà trước thềm CPH là đơn vị này đang nợ hơn 10.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của DN là 2.645 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.190 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt 3,8 lần.

Từ đây, Bộ Xây dựng đề xuất tăng vốn điều lệ lên mức 4.500 tỷ đồng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý hơn. Đồng thời, đảm bảo việc trả cổ tức là 3% trong những năm sau khi được CPH.

Tham chiếu, Tổng Sông Đà đang chiếm khoảng 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện, sắp tới sẽ triển khai sang Lào, Campuchia. Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng mức vốn nhà nước nắm giữ sau CPH là 51%, sau đó sẽ có lộ trình giảm xuống 36% trong những năm tiếp theo, tuỳ nhu cầu vốn trong từng thời điểm. Sau cổ phần hóa, công ty lên kế hoạch 2.890 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 160 tỷ đồng trong năm 2016…

Mới đây, ngày 14/10, Sông Đà công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 với doanh thu đạt gần 9.600 tỷ đồng, tương đương 76% kế hoạch năm, lãi trước thuế ghi nhận 300 tỷ đồng, vượt 39% chỉ tiêu cả năm. Kế hoạch trọng tâm trong quý IV, Sông Đà dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu CPH.

Bi đát hơn là trường hợp của HUD. Tháng 5/2015, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại HUD. Kết luận thanh tra thể hiện, HUD có nhiều thiếu sót, sai phạm trong quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị.

Đơn cử, từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính và quản trị, dẫn đến chậm và trì trệ trong việc triển khai các dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn như hiện nay. Nợ lớn phải trả, cân đối khả năng thanh toán khó khăn, nợ phải thu chậm thu hồi, phát sinh quá hạn; doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.

Trong các nội dung chỉ đạo xử lý, Bộ Xây dựng, UBND Tp Hà Nội kiểm điểm và chỉ đạo thực hiện xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra, trong đó cần lưu ý trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban TGĐ và các ban bộ phận chuyên môn theo các thời kỳ.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu HUD nộp NSNN 262.463 triệu đồng gồm nợ đọng tiền sử dụng đất; tính thiếu tiền sử dụng đất phải nộp; tiền chênh lệch giữa giá thành và giá bán tại một số dự án… Giao HUD và các công ty thành viên điều chỉnh, hạch toán đúng quy định đối với 20 nội dung với tổng số tiền 459.960 triệu đồng.

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.