22/10/2016 11:00 AM
Nhà bị nấm mốc, thấm nước không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn làm suy giảm chất lượng công trình. Do đó, công tác chống thấm cho nhà, đặc biệt là trần bê tông nên được đầu tư đúng mực. Nhưng để đảm bảo hiệu quả cho việc chống thấm cũng như dễ dàng chọn vật liệu chống thấm phù hợp, trước hết cần xác định đâu là nguyên nhân gây nên hiện tượng này.

1. Những nguyên nhân cơ bản gây thấm công trình

- Thấm nước từ trần mái xuống: Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên hiện tượng thấm nước. Nước từ trên mái sẽ rò rỉ xuống tường, hộp kỹ thuật thông qua các vết rạn nứt chân chim, nứt cổ trần, mao mạch rỗng, dần dần “lan tỏa” ra toàn công trình.

- Thấm nước từ nhà vệ sinh: Trong các không gian thì nhà vệ sinh được coi là nơi dễ bị thấm nước và ẩm mốc nhất bởi đây là nơi thường xuyên sử dụng nước và có độ ẩm cao.

- Thấm nước từ vết nứt cổ trần: Nước mưa chảy vào vết nứt cổ trần và thấm sâu vào tường. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên hiện tượng thấm trên diện rộng.

- Thấm nước từ những vết rạn, vết nứt chân chim: Hiện tượng nứt chân chim thường thấy ở những bức tường ngoài. Khi có mưa, nước mưa sẽ theo các vết nứt này thấm vào những bức tường trong, gây thấm nước và ẩm mốc.

- Thấm nước do những lỗi hỏng ở đường cấp thoát nước.

- Thấm nước do chủ quan của nhà thầu xây dựng, không sử dụng vật liệu chống thấm cho các hạng mục sân thượng, trần, tường, nhà vệ sinh…

2. Nguyên nhân gây thấm trần bê tông

Các công trình ở Việt Nam thường sử dụng trần nhà bê tông bởi sự chắc chắn, vững chãi. Thế nhưng, sau một thời gian, trần nhà bê tông thường xuống cấp nhanh chóng, mà dễ dàng nhận thấy nhất là xuất hiện các vết ố vàng, mốc đen, xanh xám trên trần. Hiện tượng này xảy ra bởi 3 nguyên nhân chính sau:

- Sự chênh lệch nhiệt độ dẫn đến quá trình co ngót bê tông. Cụ thể là, mùa hè, nhiệt độ cao thì sàn mái bê tông nở ra, nhưng mùa đông đến, nhiệt độ thấp thì co lại. Quá trình này gây nên “hiện tượng sốc nhiệt của bê tông”, xuất hiện những vết rạn nứt nhỏ với kích thước < 0.5 mm.

- Sử dụng thép đan sàn bê tông không đạt yêu cầu, mác bê tông kém chất lượng nên sau một thời gian, trần nhà bê tông bị nứt, nước theo các vết nứt này thấm vào trong nhà.

- Vị trí khe nối bê tông (giữa sàn bê tông mới và sàn bê tông cũ) không được xử lý chống thấm.

Ngoài 3 nguyên nhân chính gây thấm trần nhà bê tông nói trên thì còn tồn tại một số nguyên nhân khác như sự chủ quan của nhà thầu xây dựng, xem nhẹ công tác chống thấm, lựa chọn và sử dụng vật liệu - phụ gia chống thấm không phù hợp.

Nên nhớ, việc chống thấm ngay từ ban đầu bao giờ cũng tiết kiệm và hiệu quả hơn việc sửa chữa, khắc phục những lỗi thấm nước, ẩm mốc. Nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu mưa nắng thất thường như Việt Nam thì việc chống thấm càng trở nên quan trọng.

Tạp chí Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.