13/03/2015 8:40 PM
Thị trường mặt bằng bán lẻ phân hóa rất rõ. Diện tích lớn, đắc địa, kèm theo giá cao, chỉ dành cho các “ông lớn” như ngân hàng (làm trụ sở, chi nhánh) hay những hãng bán lẻ giàu tiềm lực. Về phần còn lại, rất nhiều tiểu thương vẫn đang mưu sinh tại các ki ốt bán hàng.

Trong “thế giới” ki ốt, hiệu quả kinh tế thường được gán cho những diện tích vừa bán hàng – vừa ở nằm trong tầng thương mại khu chung cư. Đó là lý do ra đời các sản phẩm lai tạp thời gian vừa qua.

Hà Nội lên kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị khoảng 999 siêu thị, 64 trung tâm thương mại theo tầm nhìn tới năm 2030. Quy mô vốn đầu tư cho đề án quy hoạch khổng lồ này lên tới 10.000 tỷ đồng/năm sau năm 2020.

Trước câu hỏi về bài toán vốn lẫn loại hình triển khai, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết “phần lớn số tiền từ kêu gọi các kênh đầu tư” và khu vực đế chân tại các tòa nhà chung cư sẽ được dùng để phát triển siêu thị…

Nhọc nhằn “ăn nhờ ở đậu”

Thống nhất phương án và lộ trình chi tiết chưa được giới chức Thủ đô công khai. Tuy vậy, góc nhìn thị trường cho thấy chủ trương quản lý của Hà Nội dần chạm tới sinh kế của rất nhiều tiểu thương hoạt động tại tầng thương mại dịch vụ của vô số tòa chung cư, quần thể cao tầng.

Một dẫn chứng nhỏ, các ki-ốt dịch vụ ở chân các tòa tái định cư như Đồng Tàu, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Đền Lừ… đang ghi nhận lo lắng từ chủ sử dụng. Bà Vân, người bán hàng ở một ki-ốt Pháp Vân - Tứ Hiệp rao cho thuê dài hạn mặt bằng kinh doanh (vừa để ở) suốt nhiều tháng qua vẫn “ê sắc”.

Ở Linh Đàm, Nam Xa La, chuyện thuê/mua (thời hạn sở hữu khoảng 20-30 năm) ki-ốt tầng 1 chung cư để ở kiêm bán hàng chẳng còn xa lạ. Nhưng mới đây lại xuất hiện những vụ lình xình liên quan tới giá thuê ki-ốt – mà ảnh hưởng trực tiếp vẫn là cá nhân đang sử dụng/khai thác diện tích mặt bằng.

Cuối năm 2014, hàng loạt khách hàng thuê ki - ốt tại tầng 1 các chung cư Linh Đàm, Pháp Vân, Định Công, Việt Hưng khiếu nại việc chủ đầu tư (HUD) tăng giá sau một thời gian dài “chung sống”.

Kết quả thanh tra, quy định ghi tăng giá (Quyết định 567 của Bộ Xây dựng năm 2007) lẫn lý do “tự cân đối thu chi” của HUD, cho thấy khách hàng đã lâm vào thế đuối lý.

Một tin đăng môi giới thể hiện “sức nóng” của ki-ốt chung cư thời hiện tại.

Tăng giá (từ 90.000 tới 240.000 đồng/m2) tùy vị trí, hàng trăm tiểu thương kinh doanh ki-ốt, siêu thị chung cư tại chân công trình do HUD tạo lập vẫn đang gồng mình trong bối cảnh thanh khoản bán lẻ sụt giảm trông thấy.

Cùng cảnh là nhiều tiểu thương bám trụ ở ki-ốt chợ Việt Hưng (Quận Long Biên). Ít tháng trước, hàng loạt ki-ốt tại đây đã phải đóng cửa do hàng hóa ế ẩm, giá thuê “leo thang” đột ngột.

Hoạt động ổn định nhiều năm, đơn vị quản lý chợ (Công ty CP Đầu tư, xây dựng, khai thác chợ Long Biên) đã hai lần tăng giá thuê diện tích kinh doanh, kèm theo những biểu phí tiền điện, gửi xe một mình một kiểu. Lý do, một lần nữa lại là “thu không đủ bù chi”…

Ki-ốt chung cư… lên ngôi

“Buôn thúng bán mẹt” ở chợ đêm sinh viên hay chợ cóc, giải pháp chỉ dành cho những tiểu thương quá eo hẹp vốn và kinh doanh tình thế. Ở tầm cao hơn, không ít cá nhân đầu tư đã mau mắn tìm tới loại hình ki-ốt thông tầng dạng 2 trong 1.

“Thuê ki-ốt dài hạn ở tầng thương mại thì cũng là thụ động và nơm nớp lo bị ép giá, tăng phí. Chẳng bằng mua sở hữu, được cấp giấy chứng nhận và thoải mái kinh doanh, sinh sống” – chia sẻ của tiểu thương tên Lan đang kinh doanh ở khu Đồng Tàu.

Có cầu, ắt có cung. Quý IV/2014, ngay sau khi chủ trương xây siêu thị, trung tâm thương mại kết hợp của Hà Nội được hé mở, dân kinh doanh chuyên “ki-ốt” được chào mời tới tấp loại sản phẩm khá mới mẻ.

Thông tin lời rao của chủ nhân số điện thoại 0948.677.xxx cho biết: đang có rất nhiều suất mua ki ốt thương mại thông tầng các loại diện tích từ 54m2, 56m2 đến 110m2. Tất cả các ki ốt đều hướng ra mặt đường KĐT Định Công.

Tìm hiểu thiết kế, tầng 1 của ki-ốt được set-up để để kinh doanh và bán hàng (nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng quần áo, shop công nghệ…) với mặt tiền phổ biến từ 4,5 đến dưới 6m. Tầng 2 bố trí 2 phòng ngủ, khu bếp để phục vụ sinh hoạt và một khu vệ sinh. Lý tưởng để bán hàng hơn nữa, là sản phẩm này nằm gần sát khu nhà thấp tầng ở Định Công (AZ Định Công).

Tới quý II/2015 mới bàn giao (dự kiến), nhưng ki-ốt thông tầng được phát giá tới 30 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Đáng chú ý, thông tin về các ki - ốt thông tầng thương mại dạng này đã manh nha từ năm 2013 rồi chìm hẳn (do tiến độ ì ạch của dự án và cách phát triển “thoắt ẩn thoắt hiện” của AZ Land)?!!

Không chìm sâu vào bê bối như trường hợp AZ, những sản phẩm ki-ốt thông tầng ở tổ hợp Golden Silk Kim Văn Kim Lũ đang thu hút quan tâm của nhiều cá nhân chuyên nghề đầu tư kinh doanh bán lẻ.

Tuần đầu tháng 3, hầu hết các chợ trực tuyến hoặc môi giới BĐS đều tới tấp chào nhiều mặt hàng vừa kinh doanh – vừa ở tại chung cư do Vinaconex 2 phát triển.

Cụ thể, Thành (chủ nhân số đt 0976.031.xxx) quảng cáo độc quyền bán ki ốt thông tầng tại tòa C với mô tả: Diện tích các ki ốt thiết kế: 43m2 – 76m2.

5. Giá bán: 30 – 33 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT); sổ đỏ vĩnh viễn; tiến độ thanh toán chia làm 7 đợt; bàn giao căn hộ quý 1/2017 (!)

Mức giá trên nhỉnh hơn loại hình ki-ốt thuần túy bán hàng ở HH1 Linh Đàm (do Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu triển khai) ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai. Giới tiểu thương truyền tai thông tin: ki-ốt do “ông Thản” xây được bán với giá từ 28 – 29 triệu/m2 đã gồm VAT nhưng đóng tiền theo 5 đợt. Cá biệt, vấn nạn “chênh” từ 100-250 triệu đồng/căn ki-ốt ở cụm chung cư ký hiệu HH đã được dân môi giới đồn thổi lên cả tỷ đồng.

Song Hà (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.