Khu tái định cư (TĐC) tại Nam Trung Yên (Cầu Giấy) là khu TĐC lớn nhất của thành phố và đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, tại đây đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý khiến quyền lợi của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng và nếu không kịp thời chấn chỉnh, người dân sẽ tiếp tục "sa bẫy" của "cò" nhà đất và một số sàn bất động sản. Lần theo dấu thư bạn đọc, phóng viên Báo Hànộimới đã tìm ra manh mối của những bất cập này…

Theo quy định, những người được mua nhà TĐC phải hoàn tất nghĩa vụ tài chính hay nói cách khác phải trả đủ tiền cho Nhà nước (trừ một số trường hợp được cơ quan chức năng xét cho trả dần trong thời hạn nhất định) mới được bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, tại khu TĐC Nam Trung Yên, nhiều người có suất TĐC dù chưa trả đủ tiền cho Nhà nước nhưng vẫn được nhận nhà và bán lại cho người khác. Vì sao lại có nghịch lý này?

Nhiều căn hộ ở khu tái định cư Nam Trung Yên bị chuyển giao trái phép. Ảnh: Duy Biên
Nhiều căn hộ ở khu tái định cư Nam Trung Yên bị chuyển giao trái phép. Ảnh: Duy Biên

Yên tâm vì đã làm "luật"…

Trong vai một người đi tìm mua một căn hộ chưa có người đến ở, tại khu TĐC Nam Trung Yên, chúng tôi được một công nhân quét dọn ở nhà A6C dẫn đến gặp người môi giới bán căn hộ tại khu vực này. Không cần văn phòng hay cửa hàng, người phụ nữ bán hàng nước ở ngay cầu thang của tòa nhà đon đả giới thiệu các căn hộ. Ra vẻ khan hiếm "hàng", người phụ nữ tên N cho biết: Hiện còn rất ít người bán, tòa nhà A6C chỉ còn một căn diện tích 43,27m2. Đây là căn hộ của một người ở tổ 4, phường Ô Chợ Dừa khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường Vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu). Căn hộ được Nhà nước bán có giá 608.289.660 đồng, nhưng số tiền này được nợ, chưa phải trả ngay. Người muốn mua lại nhà này chỉ cần trả phần chênh lệch là sẽ được dọn về ở. Căn nhà chỉ có một phòng ngủ, nhưng đã được sửa từ nền gạch sang sàn gỗ… Thấy chúng tôi thắc mắc vì sao chưa trả hết tiền cho Nhà nước, chưa có quyết định bán nhà của cơ quan chức năng mà đã được nhận chìa khóa, đã được sửa nhà, người phụ nữ thản nhiên: Bọn chị làm "luật" rồi, cứ yên tâm! Hỏi về giấy tờ pháp lý khi mua căn hộ, "cò" N đưa chúng tôi xem một bản photo Quyết định số 2840/QĐ-UBND của UBND quận Đống Đa ngày 19-6-2012 về việc bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với người bị thu hồi đất tại tổ 4, phường Ô Chợ Dừa và bản danh sách những người được mua nhà TĐC tại KĐT Nam Trung Yên, trong đó có tên của người đã bốc thăm được căn hộ nói trên.

Theo người phụ nữ này, việc mua bán nhà rất dễ dàng, thủ tục gọn nhẹ, chủ nhà có trách nhiệm làm "luật" với cơ quan chức năng để bảo đảm người mua lại nhà không gặp phải trở ngại nào khi sẽ dọn về ở. Như để dẫn chứng, "cò" đưa ra chùm chìa khóa và không ngần ngại dẫn chúng tôi lên căn hộ ở tầng 10 nhà A6C rồi ung dung mở cửa để chúng tôi vào xem. Chỉ vào sàn gỗ mới đã được thay, người phu nữ trấn an: "Anh chị yên tâm, cứ trao tiền là sẽ nhận được nhà. Đấy, chủ nhà chưa nộp đồng nào cho Nhà nước nhưng đã có chìa khóa, đã sửa được nhà đấy thôi… Chỉ cần người mua đặt cọc tiền để chủ nhà đứng ra làm "luật", sau đó cùng nhau ra văn phòng công chứng lập hợp đồng ủy quyền… Số tiền nợ Nhà nước vài ba năm nữa mới phải trả. Nếu cần, bọn chị sẽ tư vấn cho tiếp tục nợ tiền thêm vài năm….". Thấy chúng tôi chê căn hộ có diện tích quá nhỏ, người phụ nữ tiếp thị thêm: "Bên nhà B10C cũng có người đang có nhu cầu bán một căn hộ rộng hơn 70m2. Căn hộ đó họ đã sửa đẹp rồi, nhưng hôm nay chủ nhà đi vắng, mai các em rỗi đến xem nhé…".

Sập bẫy "cò"…

Lang thang ở các hàng trà đá quanh khu TĐC, chúng tôi dò hỏi và nhận thấy việc mua lại suất TĐC diễn ra khá phổ biến. Việc mua nhà TĐC được "nợ" tiền của Nhà nước là có thật, đã có rất nhiều người mua và đến ở khi chưa trả đủ tiền nhà cho Nhà nước. Tuy nhiên, cũng không ít người chua chát vì biết mình đã nhận quả "đắng" khi liều mua suất TĐC của những người đang "nợ" tiền mua nhà của Nhà nước. Chủ một căn hộ tên N ở tòa nhà A6C bức xúc: Căn hộ tôi mua có diện tích gần 40m2 và người được TĐC phải trả cho Nhà nước hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, người môi giới của Sàn giao dịch bất động sản VIC Việt Nam (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VIC Việt Nam (Phòng 902, Nhà CT3, Vimeco, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) tư vấn chúng tôi sẽ được nợ số tiền gốc phải trả Nhà nước khi mua căn hộ, tôi chỉ phải trả số tiền chênh lệch 500 triệu đồng. Quả thực, tại Hợp đồng đặt cọc ký với Sàn giao dịch bất động sản VIC Việt Nam cũng ghi rõ số tiền nợ Nhà nước là hơn 600 triệu đồng và sau khi ký hợp đồng ủy quyền, văn bản thỏa thuận… tôi được dọn về ở căn hộ trên. Trong tay tôi giờ chỉ có Quyết định số 5858/QĐ-UBND ngày 14-12-2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc bán căn hộ ở khu đô thị Nam Trung Yên cho hộ phải di chuyển chỗ ở do Nhà nước thu hồi đất khi thực hiện dự án đường Vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Quyết định của UBND quận Đống Đa về việc thu hồi đất của người bán nhà cho tôi và bản danh sách của 38 hộ được mua nhà TĐC. Tuy nhiên, khi xem lại danh sách này chỉ có 5 hộ được cơ quan chức năng cho phép trả dần tiền nhà trong 10 năm, tất cả các hộ còn lại đều phải trả tiền ngay một lần khi mua nhà. Căn hộ tôi mua cũng thuộc diện phải trả tiền một lần. Tôi rất lo nếu sau này chủ nhà cũ thiếu hợp tác hay gây khó dễ khi tôi làm thủ tục để hoàn thiện hồ sơ theo quy định…

Bên cạnh nỗi lo của anh N, theo phản ánh của một số người mua suất TĐC chưa trả tiền mua nhà cho Nhà nước thì khi họ về ở đã bị cán bộ của đơn vị quản lý nhà TĐC "hạch sách" đủ điều. Để được yên thân, nhiều người đã phải bỏ tiền "lót tay" cho những người quản lý ở đây nhưng vẫn nơm nớp nỗi lo! Vì sao người được mua nhà TĐC chưa trả đủ tiền cho Nhà nước mà vẫn được nhận nhà? Có hay không "sự bảo kê" để các giao dịch trên được thực hiện trót lọt? Ai là người tiếp tay cho những "phi vụ" đó? Báo Hànộimới sẽ thông tin thêm trong số báo tiếp theo.
Minh Thúy - Duy Biên (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.