Trong tình trạng chung thiếu thanh khoản, vẫn có những DN bất động sản niêm yết có lượng tiền mặt cả ngàn tỷ đồng.

Những doanh nghiệp bất động sản “ngồi trên đống tiền”
Các DN BĐS có lượng tiền mặt “khủng” là NTL, HAG, BCI, HPG, VIC…
Trong bức tranh khá ảm đạm về tình trạng thiếu thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, vẫn có những đơn vị mà tiền mặt nhiều… bằng cả vốn điều lệ của một ngân hàng nhỏ cách đây 2 - 3 năm.

Doanh nghiệp ngành bất động sản có lượng tiền và tương đương tiền lớn nhất tại thời điểm cuối năm 2011 là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Hơn 2.893 tỷ đồng tiền tại thời điểm 31/12/2011 đủ để bất cứ một doanh nghiệp hay một ngân hàng nào mơ ước. Dù rằng, so với chính mình của 1 năm về trước (hơn 3.588 tỷ đồng), con số này nhỏ đi khá nhiều.

Với hơn 3.262 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, 8.366 tỷ đồng nợ dài hạn, trên tổng tài sản 25.520 tỷ đồng (chủ yếu là vay trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và 3.434 tỷ đồng vay ngân hàng), thì cơ cấu tài chính, mức độ thanh khoản của HAG không phải là tốt nhất trong các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, HAG chưa phải chịu áp lực trong việc cân đối nguồn tiền trả lãi, trả nợ gốc.

Một doanh nghiệp có cơ cấu tài chính đẹp đến mức độ “không tưởng” trong nhóm doanh nghiệp bất động sản là CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL). Cuối năm 2010, tiền và tương đương tiền của công ty này là trên 900 tỷ đồng. Năm 2011, NTL thu thêm 1.010 tỷ đồng tiền bán hàng và cung cấp dịch vụ, nhưng đi kèm với đó là việc tiếp tục đầu tư cho các dự án dang dở, nên cuối năm 2011, Công ty chỉ còn 370 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. So với chính mình, lượng tiền mặt của NTL sụt giảm mạnh, nhưng với con số nợ ngắn hạn chưa đến 31 tỷ đồng, không có nợ vay dài hạn, NTL là mẫu doanh nghiệp “ngồi trên đống tiền”. Khoản nợ phải trả 1.253,8 tỷ đồng thể hiện trên báo cáo tài chính của NTL thực chất là các khoản người mua trả tiền trước (778 tỷ đồng), doanh thu chưa thực hiện và các khoản phải trả, phải nộp khác.

Báo cáo tài chính của NTL cũng thể hiện một điều, cơ hội để có một nguồn thu lớn, ổn định lâu dài từ các dự án mới là không nhiều. Nhưng với cơ cấu tài chính như trên, NTL không có áp lực trả nợ, thậm chí còn được hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức cao. Chính vì vậy, lựa chọn cổ phiếu NTL để “tránh bão” được giới phân tích cho là sáng suốt, nhưng để nắm giữ lâu dài thì phải trông chờ vào khả năng kiếm tìm dự án hiệu quả mới của Ban lãnh đạo Công ty.

Xếp sau NTL, CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) cũng có lượng tiền mặt tương đối lớn và một cơ cấu tài chính lành mạnh. Cuối năm 2011, BCI có hơn 295 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 393,7 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 417,6 tỷ đồng nợ dài hạn. Với các khoản vay chủ yếu có lãi suất dưới 20%/năm, BCI đã đứng ngoài tình cảnh chung của các doanh nghiệp niêm yết ngành bất động sản và xây dựng là “ăn đong” tiền trả lãi vay.

Những doanh nghiệp khác có nhiều tiền mặt là CTCP Vincom (VIC), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG)…, với số dư tiền mặt lên tới cả ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, Vincom có 1.231 tỷ đồng tiền mặt cuối năm 2011, nhưng đi kèm với cơ cấu 4.625 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 5.408 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong số này, có hơn 833 tỷ đồng là nợ trái phiếu chuyển đổi từ Credit Suisse (40 triệu USD), 2.450 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn sẽ đáo hạn ngày 9/12/2012. Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính quý IV/2011, Vincom đã thu thêm về hơn 11.000 tỷ đồng tiền khách hàng nộp dự án bất động sản, dù thị trường bất động sản ảm đạm và tín dụng ngân hàng bị siết chặt.

Hòa Phát có hơn 1.064 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cuối năm 2011, trong khi nợ ngắn hạn là 4.545 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.879 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex cho thấy, Vinaconex có 1.756 tỷ đồng tiền và tương đương tiền vào cuối năm 2011, trong khi vay ngắn hạn và dài hạn đều lớn hơn 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền lớn trong một doanh nghiệp có quy mô lớn không phải là một căn cứ hoàn toàn vững chắc cho vấn đề thanh khoản. Khi xem xét khả năng thanh toán của một DN, cần chú ý hơn đến những yếu tố khác như tính thanh khoản của các tài sản của DN, đặc biệt là khả năng thanh toán nhanh.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland