Một trong những vụ tranh chấp đình đám. Ảnh internet
Mới đây nhất là vụ tranh cãi nảy lửa giữa Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Bemes - chủ đầu tư dự án chung cư CT6 Xa La và khách hàng mua nhà tại dự án này về diện tích căn hộ. Theo phản ánh của khách hàng, sau khi nhận bàn giao căn hộ họ đã tiến hành đo đạc lại diện tích và diện tích thực tế của căn hộ thấp hơn diện tích ghi trên hợp đồng từ 2 - 3m2. Trước những phản ứng gay gắt của khách hàng, chủ đầu tư dự án đã cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu diện tích căn hộ thực không đúng so với hợp đồng.
Một vụ mua bán thiếu minh bạch khác cũng đang diễn ra tại dự án căn hộ CT3 Trung Văn. Khách hàng mua dự án này cũng đang đứng ngồi không yên khi phải chi ra số tiền gần 1,5 tỷ đồng mua căn hộ tòa chung cư CT3. Tuy nhiên, đến thời điểm chủ đầu tư giao nhà, khách hàng như chết đứng khi bị gạt ra ngoài danh sách vì đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Hạ Long chỉ nộp lại cho chủ đầu tư là công ty Hanic 70%, trong tổng số 90% giá trị căn hộ mà khách hàng đã thanh toán.
Mức độ tranh chấp ngày càng cao khi vào hồi tháng 10 vừa qua, hàng chục khách hàng đã mang theo băng rôn, khẩu hiệu đến công trường dự án “nơi ước đến, chốn mong về” – Splendora của An khánh JVC để phản đối chủ đầu tư tự động bán nhà tính theo chỉ số giá khiến họ phải nộp thêm nhiều tiền. Cụ thể năm 2009 khi mua biệt thự dự án Bắc An Khánh dưới dạng hợp đồng góp vốn thì một giá, đến khi chuyển sang hợp đồng mua bán thì chủ đầu tư lại áp dụng giá khác. Tính ra mỗi căn liền kề, biệt thự khách hàng phải trả thêm ít nhất cũng phải mất 2 tỷ đồng.
Cũng vì phản đối chủ đầu tư mà hồi tháng 5 vừa qua, hàng trăm xe ô tô của cư dân Golden Westlake đã xếp hàng ngay trước cửa tầng hầm, đỗ kín đường vào tòa nhà để phản đối việc chủ đầu tư đưa ra mức phí đỗ xe mới mà theo họ là “giá trên trời”. Theo thông báo của Ban quản lý tòa nhà, mức phí sẽ được tăng lên từ 1 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng bắt đầu từ 5/2012. Trong đó, chủ đầu tư khẳng định đã được Sở Tài chính thẩm định giá trong khung giá quy định của UBND Thành phố Hà Nội. Gặp phải dự phản đối của cư dân, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing (HVTS) và đơn vị quản lí là Công ty Leonidas đã thông báo hạ mức phí từ 2,5 triệu đồng xuống còn 2 triệu đồng. Tuy nhiên khách hàng không chấp nhận và Sở xây dựng đã vào cuộc giải quyết vụ việc.
Một vụ kiện khác xuyên suốt cả năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có lối thoát đó là vụ khách hàng mua nhà tại dự án Hanoi Time Tower đòi lại tiền góp vốn vì họ đã đóng đến hàng trăm triệu đồng để góp vốn xây dựng dự án nhưng sau 2 năm chờ đợi thì hiện dự án vẫn chưa hoàn thành phần móng và ước mơ “an cư” của nhiều người đã vỡ như bong bóng xà phòng.
Hay vụ tranh chấp dai dẳng và nảy lửa nhất kéo dài suốt từ năm 2011 đến đầu năm 2012 giữa cư dân và chủ đầu tư dự án Keangnam Landmark Tower đến nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nguyên nhân là chủ đầu tư - Công ty Keangnam Vina đã đưa ra mức phí dịch vụ quá cao so với mức trần của thành phố.
Đến tháng 12/2011, sau khi việc thỏa thuận phí dịch vụ không thành từ ngày 1/1/2012, Keangnam đã cắt 50% số thang máy, không bố trí lễ tân và vệ sinh tòa nhà. Các cư dân lại một lần nữa phản đối quyết liệt. Sau khi không thỏa thuận được phí dịch vụ cuối cùng, chủ đầu tư đã áp dụng hai mức giá dịch vụ. Người dân được lựa chọn giữa mức phí 16.500 đồng/m2 và 4.000 đồng/m2 (mức phí 4.000 sẽ bị cắt giảm nhiều dịch vụ).
Trước bối cảnh thị trường bất động sản đang rất khó khăn vì khủng hoảng niềm tin như hiện nay thì những điều tiếng không hay về các chủ đầu tư dự án lại diễn ra ngày càng phổ biến. Điều này làm cho người mua vốn đã nghi ngờ nay lại càng thêm hoang mang về chốn an cư mà mình sẽ lựa chọn và người chịu thiệt hơn cả là các chủ dự án bất động sản.