Ít ngày trước đây, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện ngay việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang – Định hướng thành lập Trường đại học Khánh Hòa, do Công ty cổ phần Dewan Projects (thuộc Tập đoàn Dewan – Ấn Độ) làm chủ đầu tư. Như vậy là sau một thời gian lưỡng lự, lúc quyết tâm thu hồi, khi lại cho triển khai lại, tỉnh Khánh Hòa đã phải có kết luận cuối cùng với dự án có vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng này. Và điều đó lại làm dấy lên mối lo ngại trong dư luận về nhiều, thậm chí là rất nhiều dự án FDI đang nằm “đắp chiếu”.
Rình rang cam kết, lặng lẽ triển khai
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2014, Dewan Projects ban đầu lên kế hoạch xây dựng dự án trên diện tích hơn 11 ha ở thành phố Nha Trang với vốn đầu tư gần 716,5 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD). Bù lại, Dewan Projects được chấp thuận bàn giao toàn bộ khu đất “kim cương” của Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang hiện tại để xây dựng tổ hợp khách sạn, nhà ở…
Một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, nếu như Dewan Projects thực hiện đúng cam kết của mình là trong vòng 90 ngày, góp đủ 5,5 triệu USD vốn điều lệ. Nhưng đến nay khoản tiền này vẫn như “bóng chim, tăm cá”. Thực ra, 4 tháng trước đây, Khánh Hòa đã từng định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án này, nhưng rồi đã quyết định gia hạn. Tuy nhiên, cuối cùng, số phận của nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính này cũng không khá khẩm hơn. Câu chuyện của Khánh Hòa và Dewan thực ra không chỉ liên quan tới dự án 35 triệu USD này, mà còn là một dự án lớn hơn nữa, có vốn đầu tư lên tới trên 1,25 tỷ USD. Đó là dự án bãi biển Phượng Hoàng (Phoenix) của “người anh em” Dewan International Việt Nam.
Cũng mắc phải một “lỗi” tương tự, đó là không thực hiện cam kết góp vốn (420 tỷ đồng), nhiều lần xin gia hạn rồi đâu vẫn hoàn đó nên cuối cùng dự án này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 7/2015 vừa qua.
Như vậy, cả hai dự án của Dewan tại Khánh Hòa đã có chung số phận, bị thu hồi sau 1 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Một động thái có thể coi là khá mạnh tay của Khánh Hòa sau khi thấy chủ đầu tư chậm triển khai, năng lực tài chính không có. Khánh Hòa đau, nhưng có lẽ không bằng Quảng Ngãi, bởi phải sau tận hơn 9 năm, Dự án Guang Lian chậm triển khai và năm lần bảy lượt xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh này mới dũng cảm quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án thép 3 tỷ USD này và hiện vẫn đang vất vả giải quyết các vấn đề hậu thu hồi giấy phép, cũng như tìm kiếm nhà đầu tư “trám” vào khu đất hơn 300 ha hoang hóa gần 10 năm nay.
Không chỉ là Dewan hay Guang Lian, có thể kể ra một danh sách dài các dự án FDI nhiều năm án binh bất động, thậm chí có thể coi là đã “chết”. Chẳng hạn, dự án Bãi Dài Resort của nhà đầu tư Starbay Holdings Ltd (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,6 tỷ USD ở Kiên Giang, cũng 7 năm nay không triển khai. Hay các dự án Khu đô thị đại học quốc tế của Công ty TNHH MTV Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Malaysia), tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD, cũng đã 7 năm để cỏ dại mọc hoang. Cũng Berjaya còn có dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (vốn đầu tư 930 triệu USD) tại TP.HCM và dự án 2 tỷ USD ở Đồng Nai đang trong tình trạng tương tự… Chưa kể, các dự án Bus Center, 1 tỷ USD ở Bình Định; Dự án Saigon Atlantic Hotel, vốn đầu tư 4,1 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu… Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lũy kế đến cuối tháng 10/2015, các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư trên 290 tỷ USD vào Việt Nam. Nhưng đáng tiếc, chỉ chưa tới phân nửa số cam kết này được đưa vào giải ngân. Điều đó có nghĩa rằng, có những khoản vốn vô cùng lớn đang “nằm chết” cùng với những vùng đất nhiều năm cỏ dại mọc um tùm, lẽ ra để xây dựng nhà máy, xí nghiệp thì để trâu, bò ung dung gặm cỏ.
Vì đâu nên nỗi?
Lãng phí lớn nhất là đất đai bị bỏ hoang kéo dài nhiều năm, trong khi dân bị thu hồi đất không có đất để canh tác, sinh kế bị ảnh hưởng. Một ngân khoản không nhỏ của địa phương cũng đã được chi ra để đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng cuối cùng lại không thể thu hồi được do dự án cả chục năm không đi vào hoạt động. Chưa kể những thiệt hại về chi phí cơ hội nếu nguồn lực đó được dành cho các dự án có tiềm lực tốt hơn. Nguyên nhân thì có nhiều, song ông Phan Hữu Thắng đã nhắc đến câu chuyện chất lượng thẩm định dự án của các địa phương. Một điều rõ ràng, nhất là vào những năm 2007 – 2008, rất nhiều dự án tỷ đô được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng rồi chẳng mấy chốc phá sản. Một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có lần cay đắng thừa nhận, đó chỉ là những dự án ảo, vì thế thành tích thu hút FDI kỷ lục trong năm 2008 cũng chỉ là “ảo”.
Quá trình phân cấp đã trao quyền chủ động cho địa phương, song năng lực cán bộ hạn chế, cộng với tư duy thành tích, ham dự án lớn, thu hút FDI bằng mọi giá bất chấp hậu quả, đã để lại một “di chứng” là hàng loạt dự án bị bỏ hoang, chậm triển khai.
“Thực tình, chúng tôi cũng ngại chuyện dân tình bức xúc vì đất để hoang kéo dài”, vị này thổ lộ. Đó là câu chuyện không chỉ của riêng Quảng Ngãi. Một vị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã than phiền về chuyện muốn thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Foxconn mà chẳng dám, vì ngại những “đụng chạm” với người dân. Nhưng dù ngại đến mấy, cuối cùng dự án 200 triệu USD của Foxconn cũng đã bị thu hồi vào tháng 6 vừa qua. Dự án Guang Lian cũng thế. Và một điều chắc chắn, sẽ còn nhiều dự án nữa sẽ được thu hồi.
Câu hỏi còn lại
Khai tử những dự án ấy là cần thiết để dành cơ hội cho các nhà đầu tư có nhu cầu và có năng lực. GS-TSKH. Nguyễn Mại, chuyên gia kỳ cựu về đầu tư nước ngoài đã hơn một lần nhắc đến điều này. Ông Mại cũng đã khẳng định về quyền lựa chọn của các địa phương trong thu hút FDI, song dường như quyền lựa chọn này đang được thực hiện một cách khá mờ nhạt. Hơn 100 tỷ USD vốn FDI cam kết chưa được triển khai, phải làm sao để thúc đẩy giải ngân? Điều quan trọng, theo các chuyên gia, là phải nhanh chóng rà soát lại các dự án cũ, dũng dảm “buông tay” với các dự án không khả thi để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự muốn làm ăn nghiêm túc và lâu dài. Như vậy mới có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI tại Việt Nam.
Cần nhanh chóng rà soát lại các dự án cũ, dũng cảm “buông tay” với các dự án không khả thi để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự muốn làm ăn nghiêm túc và lâu dài Piaggio là một trong nhiều những dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút thành công trong những năm qua. |