Nếu không thực sự cảm thấy quan hệ giữa các lợi ích trên thị trường và cơ quan quản lý là khách quan, chí công vô tư, niềm tin vào chính sách sẽ khó tròn trịa như cần phải có.

Hôm 23-8, tôi nằm trong số những người đi mua vàng. Rủi thay, sau khi lập kỷ lục đỉnh cao mọi thời đại (1.917 đô la Mỹ/ounce), giá vàng xuống thê thảm. Thấy lỗ mấy tháng “lương tối thiểu” tới nơi.


Thì ra, các nhà đầu cơ quốc tế kéo giá lên cả tháng qua bắt đầu chốt lời (Quỹ tín thác vàng SPDR bán sạch số vàng mua trong tháng 8). Còn trong nước thì nhờ Ngân hàng Nhà nước trấn an dư luận, các con phố “vàng” Hà Nội như Trần Nhân Tông, Hà Trung mới bớt kẹt xe.


Về lý trí, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi phát ngôn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đúng là vàng, nhất là vàng dạng cây nén, chỉ cất vào két hay gửi ngân hàng. Muốn dùng làm trang sức cho đẹp hay khoe của, cũng không thể đục một cái lỗ xâu dây đeo ở cổ. Tóm lại cây vàng nằm im, không đóng góp gì cho chu trình sản xuất - kinh doanh hay tiêu dùng của nền kinh tế cả.


Có điều, về tâm lý, khó có thể nói là tôi mong vàng xuống giá. Nếu không cưỡng lại được xu thế này, tôi cũng hy vọng vàng giảm từ từ. Giờ bảo tôi tham gia đối sách nào đó kéo giá vàng xuống, không khéo mà khó vô tư hoàn toàn. Có được cái lý trí sáng suốt ở trên co kéo, thì cũng bị tâm lý xót ruột tối mày tối mặt dưới kia nó ảnh hưởng.


Vàng nóng như vậy, nhưng quy mô và giá trị chỉ bằng phần nhỏ của bất động sản. Một căn nhà trung tâm Hà Nội hay Sài Gòn, giá giao dịch cả chục năm nay cũng loanh quanh con số ngàn lượng. Có hàng chục ngàn căn nhà như vậy. Sau khi Sài Gòn thêm quận mới dăm bảy năm trước, và đặc biệt gần đây với Hà Nội mở rộng, số nhà giá ngàn cây càng khó đếm nổi.


Giá bất động sản lên hoài thì sao? Theo tư duy thị trường vàng, để bình ổn thì phải có sự can thiệp của nhà nước. Có thể bằng nguồn cung, có thể về quy hoạch giãn dân, cơ chế ưu đãi đầu tư, ưu đãi người mua lần đầu (như Úc và Canada)... Tựu trung lại là tác động vào giá. Nhưng giá nhà đất vẫn vô chừng. Và luôn có một cách biện minh, nói tránh rằng ở Việt Nam biết giá nào là giá hợp lý để tác động? Lúc thị trường bất động sản nóng sốt, từng có một quan chức cấp cao trong ngành đất đai cảm thán về quản lý giá đất: “Đúng là bất lực thật!”.


Lạ thay, cơ quan quản lý lại bày tỏ, hoặc tỏ ra, bất lực trước một vấn đề vốn đo đếm ở mức “sàn” thì tầng tầng, lớp lớp khung giá do chính quyền ban hành, còn “trần” thì nhan nhản các quảng cáo về bất động sản từ các môi giới chuyên và không chuyên khắp các trang rao vặt. Muốn biết khoảng cách về giá, chênh lệch giữa sàn và trần, thực và ảo, thu nhập chìm nổi, không phải không có cách.


Sáng tối nhấp nháy như vàng, Ngân hàng Nhà nước còn nhận định: “Chênh lệch 400.000 đồng” là mức hợp lý giữa giá mua và bán. Còn nhà đất lại vô phương(?).


Điểm khác biệt giữa hai loại tài sản là nhiều gia đình có thể không có hoặc không cần có vàng, nhưng chắc chắn cần một mái nhà để ở.


Vàng giống nhà đất ở chỗ cùng hút tiền khỏi những địa hạt khác của nền kinh tế. Đặc biệt, bất động sản được coi là phương tiện để đầu tư hiệu quả nhất, như nhiều nhà làm chính sách “mách nước” cho thị trường. Thành thử một đằng cam kết kéo giá bất động sản xuống giá trị thực để đông đảo dân chúng an cư, một đằng trấn an các nhà đầu tư: rồi giá còn lên nữa (!).


Không ngạc nhiên khi thấy những mách bảo về một thị trường địa ốc khởi sắc và sinh lời tỏ ra đi trước một bước so với những cam kết định hướng bình ổn kinh tế vĩ mô từ cấp cao nhất. Chẳng hạn, sau cuộc gặp với các chuyên gia kinh tế hàng đầu vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo “kiên định các mục tiêu của Nghị quyết 11”. Nhưng trước đó, thị trường đã trót phập phồng hy vọng cùng những tuyên bố mạnh dạn của một số quan chức rằng, van tín dụng cho bất động sản nay mai sẽ được nới lỏng theo chỉ thị của Chính phủ. Phải chăng lý do là vì xét về quy mô và giá trị, ở Việt Nam, nhà đất là phương tiện đầu tư quá phổ biến (?).


Có thể thấy các chính sách làm ra dù chỉ có chút mâu thuẫn về lợi ích giữa người lập chính sách và đối tượng điều chỉnh cũng dẫn tới những tác động nhất định. Nhẹ thì về mặt tâm lý. Chính sách đâu phải chỉ có những người thảo chính sách thực hiện, còn các cơ quan khác thi hành và người dân nữa. Nếu không thực sự cảm thấy quan hệ giữa các lợi ích trên thị trường và cơ quan quản lý là khách quan, chí công vô tư, niềm tin vào chính sách sẽ khó tròn trịa như cần phải có.


Khi lợi ích gắn kết con người vào một vấn đề chung, không hiếm trường hợp, nhóm lợi ích là một khái niệm tuy trừu tượng nhưng có thể luận ra. Đồng thời khái niệm “mềm” này có thể ẩn chứa mối ràng buộc giữa những thành viên của nhóm mà không cần phải biết nhau. Chia sẻ lợi ích sản sinh từ một chu trình là đủ “chung thuyền”.


Có những người hôm 23-8 mua vài chục hay trăm lượng vàng giá đỉnh. Giờ chắc đang “trớt quớt” giống tôi. Đành an ủi. Mình cũng có “nhóm” của mình.

Theo Bảo Bảo (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.