Ông Hưng cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do các ngân hàng tăng nắm giữ đô la Mỹ, khi lãi suất tiền đồng tiếp tục đi xuống trong thời gian qua, trong khi tín dụng tăng khá chậm trong thời gian gần đây.
Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, khi thấy tỷ giá rục rịch tăng, một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng thỏa thuận giá bán đô la Mỹ với ngân hàng, tuy số này chưa nhiều nhưng cũng tạo nên cảm giác đô la Mỹ đang trở nên khan hiếm hơn.
Hiện tại, NHNN vẫn tiếp tục khảo sát, đánh giá lại nhu cầu thị trường, nhìn lại nguồn thu để tính toán thời gian can thiệp. Tuy vậy, trên thực tế, cung cầu ngoại tệ chưa quá căng thẳng. Lượng kiều hối của các tháng đầu năm có giảm nhẹ so với năm ngoái nhưng không đáng kể, cộng với việc NHNN đã mua vào khoảng 5 tỉ đô la Mỹ trong các tháng đầu năm sẽ là cơ sở để cung ứng khi cần thiết.
Song ông Hưng cũng kỳ vọng với việc tín dụng tiền đồng đang tăng lên, các ngân hàng sẽ bớt nắm giữ lượng lớn ngoại tệ trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến thời điểm này, giá đô la Mỹ niêm yết tại Vietcombank đã tăng khoảng 1,87% so với cuối năm 2012, mức này cũng gần như tương tự với đa phần các ngân hàng khác.
Tuy vậy, tỷ giá bình quân liên ngân hàng chỉ tăng 1% sau khi NHNN nới tỷ giá vào ngày 28-6. Trong tuyên bố từ đầu năm, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết trong năm nay, tỷ giá không điều chỉnh quá mức 2%.
MayBank-KimEng: tỷ giá không biến động nhiều các tháng cuối năm Báo cáo về vấn đề tỷ giá của Công ty chứng khoán MayBank-KimEng phát hành ngày 4-7 có đề cập đến nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ trong nửa cuối 2013, nhưng nhìn chung tỷ giá sẽ không biến động nhiều trong những tháng cuối năm. Công ty này cho rằng thị trường vàng chính là yếu tố khiến cho đồng Việt Nam yếu đi. Chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới đã gây áp lực lên đồng Việt Nam theo hai cách: thứ nhất là khuyến khích vàng nhập lậu (bán tiền đồng mua đô la Mỹ để nhập vàng) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dùng khoảng 1 tỉ đô la dự trữ ngoại hối để nhập vàng cho các phiên đấu thầu trong nước. Theo báo cáo trên, việc nhập vàng của NHNN là một trong những nguyên nhân chính khiến đồng Việt Nam yếu đi mặc dù dự trữ ngoại hối vẫn được duy trì ở mức tốt (tương đương gần 3 tháng nhập khẩu). Việc chốt lời trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng nhất thời tác động đến tỷ giá. Theo báo cáo của MayBank-KimEng, các chuyên gia của công ty này ước tính nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 10% giá trị thị trường trái phiếu chính phủ. Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang có lời do lạm phát Việt Nam đã liên tục giảm từ năm 2011 và các ngân hàng đang tăng mua vào trái phiếu chính phủ khi tăng trưởng tín dụng quá thấp. Năm tháng đầu năm, huy động của các ngân hàng tăng 7% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3%. Theo thống kê của Kho bạc nhà nước, tính đến hết sáu tháng đầu năm nay, cơ quan này đã huy động tổng số 124.331 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ, đạt đến 73,1% so với kế hoạch cả năm. Chuyên gia của MayBank-KimEng lo ngại việc chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu thời gian ngắn tới có thể gây áp lực lên tỷ giá khi họ phải mua ngoại tệ và chuyển lợi nhuận về nước. Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng các ngân hàng nắm rõ tâm lý muốn chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu, đồng thời có nhu cầu đầu tư vào thị trường ngoại hối khi có lượng cung tiền đồng dồi dào nên đã mạnh tay mua vào ngoại tệ thời gian vừa qua. Ý thức được điều này, NHNN đã lên tiếng cảnh báo các ngân hàng muốn đầu cơ ngoại tệ. Tuy nhiên, MayBank-KimEng cho rằng việc chốt lời này sẽ không diễn ra quá mạnh mẽ vì nếu bán quá nhiều sẽ khiến giá trái phiếu giảm và ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, thâm hụt thương mại không phải là yếu tố đáng ngại có thể ảnh hưởng đến tỷ giá trong năm nay, mà nếu có chỉ mang tính tâm lý vì vấn đề thâm hụt thương mại là một yếu tố mang tính cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Mức thâm hụt này vẫn đang được tài trợ bới dòng vốn nước ngoài đi vào, đặc biệt là FDI, và những năm gần đây nhìn chung dòng vốn đi vào và ra khá cân bằng. Thông thường lạm phát cao là một nguyên nhân tác động lên tỷ giá, nhưng lạm phát của Việt Nam trong năm 2013 dự báo chỉ khoảng 6%-7% nên sẽ không phải là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tỷ giá năm nay. Với ba lý do dự trữ ngoại hối Việt Nam vẫn khả quan, lạm phát 2013 được dự báo ở mức thấp, và thâm hụt thương mại không quá nghiêm trọng, MayBank-KimEng cho rằng sẽ không thể có sức ép lớn lên tỷ giá từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, công ty này cho rằng có khả năng sẽ có thêm một đợt phá giá nữa đến từ sức ép chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu. Nhưng việc chốt lời không thể diễn ra mạnh mẽ vì có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài, nên chuyên gia của MayBank-KimEng cho rằng từ nay đến cuối năm có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm giá tiền đồng, nhưng mức giảm sẽ không lớn. Tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng trên thị trường tự do ngày 5-7 tiếp tục nhích lên 21.620 giá bán ra, và 21.580 giá mua vào. Các ngân hàng đồng loạt niêm yết giá bán đô la Mỹ kịch trần là 21.246, nhưng đã điều chỉnh tăng tiếp giá thu mua đô la Mỹ lên sát giá bán ra, ở mức 21.240 đồng so với mức 21.220 một ngày trước đó. |