16/12/2024 3:52 PM
Trong bối cảnh tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm sản phẩm từ sắt thép, xi măng cho đến các loại vật liệu hoàn thiện vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá. Điều gì khiến giá vật liệu xây dựng "dậy sóng" giữa cơn trầm lắng?

Tại hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025, Bộ Xây dựng cho biết ngành xây dựng năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được một số thành tựu nhất định, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đô thị hóa vượt kế hoạch đề ra, thị trường bất động sản phục hồi qua giai đoạn khó khăn nhất…

Năm 2024, tăng trưởng của ngành xây dựng ước đạt 7,8 - 8,2%, vượt kế hoạch. “Đây là kết quả cao nhất từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế”, Bộ Xây dựng cho biết.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao

Với ngành vật liệu xây dựng, 2024 là năm chứng kiến diễn biến tăng giá mạnh của các loại vật liệu, nhất là cát xây dựng do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu xây dựng tăng cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước, chủ yếu do giá nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng cao.

Nhìn lại năm 2024: Áp lực chi phí khiến giá vật liệu xây dựng “dậy sóng”- Ảnh 1.

Áp lực chi phí sản xuất khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao

Ghi nhận thực tế cho thấy, một số loại vật liệu liên tục tăng giá, trong đó, biến động mạnh nhất là mặt hàng thép xây dựng. Cụ thể, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Hòa Phát được điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng lên lần lượt 13,58 và 13,79 triệu đồng/tấn. Riêng thép thanh vằn đã có lần thứ ba tăng giá liên tiếp từ giữa tháng 9 tới nay với biên độ 460.000 đồng/tấn.

Các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS... cũng thay đổi giá từ đầu tháng. Tùy loại sẽ tăng thêm 100.000 - 170.000 đồng/tấn sau mỗi lần điều chỉnh. Hiện giá thép xây dựng trong nước đang dừng ở mức 13 - 14 triệu đồng/tấn. Mặt bằng giá này đang trở lại ngang với cuối tháng 7, đầu tháng 8, trước khi diễn ra đợt giảm khá mạnh xuyên suốt sau đó.

Trong khi đó, trong tháng 10/2024, các doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán mặt hàng này thêm 50.000 đồng/tấn. Động thái này để bù đắp chi phí sản xuất sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo điều chỉnh giá điện tăng thêm 4,8% so với giá hiện hành, lên hơn 2.103 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Theo các chuyên gia, chi phí vật liệu thường chiếm khoảng 60% chi phí xây dựng. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng, giá bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo.

Mặt khác, việc các loại vật liệu biến động giá cũng sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án.

Gặp khó với bài toán tiêu thụ

Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Trong khi thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng, sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng lại thể hiện những tín hiệu trái chiều, phản ánh rõ rệt sự mất cân đối giữa cung - cầu.

Đối với mặt hàng xi măng, Bộ Xây dựng ghi nhận sản lượng sản xuất năm 2024 đạt 91 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023; lượng tiêu thụ khoảng 91 triệu tấn, tăng 2%. Trong đó, tiêu thụ nội địa ở mức 60 triệu tấn, tăng khoảng 6%; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 31 triệu tấn với giá trị xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD.

Đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất trong năm 2024 đạt khoảng 450 triệu m2, tăng 15%; sản lượng tiêu thụ ở mức 405 triệu m2, tăng 15% so với năm trước.

Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 14,5 triệu sản phẩm, tăng 15%; tiêu thụ mặt hàng này đạt khoảng 13 triệu sản phẩm.

Với mặt hàng kính xây dựng, sản lượng sản xuất đạt khoảng 147 triệu m2, giảm 16% so với năm 2023; tiêu thụ năm 2024 khoảng 140 triệu m2.

Một số vật liệu khác có sản lượng sản xuất giảm như sản lượng sản xuất và tiêu thụ vôi đạt 2,2 triệu tấn, giảm 5%; đá ốp lát đạt khoảng 11 triệu m2; tấm lợp fibro xi măng đạt khoảng 32 triệu m2; vật liệu xây đạt 23 tỷ viên.

4 thách thức lớn với ngành vật liệu xây dựng năm 2024

Vật liệu xây dựng bao gồm xi măng, thép xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây và các loại vật liệu khác có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở trong thiết kế và phát triển đất nước.

Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhìn lại năm 2024: Áp lực chi phí khiến giá vật liệu xây dựng “dậy sóng”- Ảnh 2.

Ngành vật liệu xây dựng đối mặt với nhiều khó khăn lớn về sản xuất lẫn tiêu thụ

Tuy nhiên, ngành vật liệu xây dựng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn lớn về sản xuất lẫn tiêu thụ, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt từ Chính phủ và doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Qua đánh giá của các Bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành cho thấy khó khăn chủ yếu bao gồm:

1. Chi phí đầu vào tăng cao

Giá nguyên liệu như than, dầu, và các khoáng sản liên tục leo thang, gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất.

Đặc biệt, ngành xi măng và gạch ngói chịu ảnh hưởng nặng nề do sự phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu này. Hệ quả là giá thành sản phẩm tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

2. Thị trường tiêu thụ trì trệ

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường bất động sản trong nước tăng trưởng chậm, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ là một trong những nguyên nhân khiến tiêu thụ vật liệu xây dựng suy giảm.

Bên cạnh đó, chi phí vận tải tăng cao, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, trong khi thị trường xuất khẩu lại gặp nhiều rào cản.

3. Khó khăn tài chính

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đang gánh trên vai những khoản nợ lớn, với lãi suất vay ngân hàng ngày càng tăng, nhất là với các doanh nghiệp xi măng.

Điều này dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc xoay vòng vốn, thậm chí nguy cơ rơi vào tình trạng nợ xấu. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới cũng bị thu hẹp, gây cản trở cho hoạt động sản xuất và đầu tư phát triển.

Nhiều nhà máy, đặc biệt là nhóm xi măng, thép xây dựng đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất.

4. Tình trạng hàng giả, buôn lậu

Mặc dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát, nhưng tình trạng buôn lậu và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các sản phẩm gạch, ngói kém chất lượng. Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm uy tín của các sản phẩm chính hãng, đe dọa đến sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Để giải quyết những thách thức trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp kịp thời và hiệu quả.

Trong đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tài chính, và nâng cao chất lượng sản phẩm được xem là các giải pháp then chốt. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.