Có tình trạng công nhận xã nông thôn mới nhưng cho nợ tiêu chí, có xã được công nhận nông thôn mới nhưng lại trở thành con nợ lớn. Vì vậy, chính quyền lo, nhân dân lo, kém hẳn đi phần phấn khởi.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng cần phải điều tra, thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản.
Đây là tình trạng được đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) đề cập khi thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Quốc hội, sáng 4/11.
Theo kết quả giám sát, đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1%) đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng có đến 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Nhận xét của nhiều vị đại biểu là trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới còn tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích.
Đại biểu Tuấn cho rằng, biểu hiện rõ ràng là huy động quá sức dân, là việc đánh giá kết quả thực hiện không sát các tiêu chí. Có tình trạng công nhận xã nông thôn mới nhưng cho nợ tiêu chí. Có xã được công nhận nông thôn mới nhưng lại trở thành con nợ lớn.
Nên thực tế ở tỉnh Nam Định hiện nay, khi xét công nhận nông thôn mới có bổ sung thêm tiêu chí phụ là nợ xây dựng cơ bản không vượt quá 3 tỷ, phải có phương án trả nợ khả thi, đại biểu cho rằng việc bổ sung tiêu chí như vậy là hợp lý.
Cùng nỗi lo về nợ, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng cần phải điều tra, thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản. Mặt khác cần đánh giá việc chi tiêu ngân sách cho chương trình này cũng như mức độ tác động của nó đến tình trạng ngân sách chung.
Theo đại biểu Tuấn Anh thì phải đặt câu hỏi về cách xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi, nhiều chỗ hướng tới thành tích phô trương, chạy theo chủ nghĩa thành tích, nặng tính phong trào trong giai đoạn hiện nay còn phù hợp hay không.
Quá thiên về tiêu chí hạ tầng mà nhẹ chăm lo sản xuất, cho đời sống của nhân dân cũng nằm trong nỗi lo của đại biểu.
Ông Tuấn Anh nói, qua khảo sát ở Bình Phước cho thấy tổng vốn đầu tư trung bình trong một đồ án quy hoạch được phê duyệt cho một xã nông thôn mới khoảng 175 tỷ đồng. Tỉnh Bình Phước có 100 xã như vậy, tổng vốn để Bình Phước triển khai công việc này đến năm 2025 là 175.000 tỷ chia cho 11 năm, tính ra mỗi năm tỉnh Bình Phước phải chi 15.000 tỷ đồng cho riêng chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong khi đó mỗi năm ngân sách tỉnh thu khoảng 4000 tỷ. Như vậy, lời giải cho nông thôn mới tỉnh Bình Phước hiện nay nói riêng và cả nước nói chung phải ưu tiên cho sản xuất và giao thông nông thôn trước để kết nối và tạo ra của cải cho xã hội, sau đó mới phát triển hạ tầng, ông góp ý.
Cũng đề cập việc chạy theo thành tích trước sức ép hoàn thành các tiêu chí, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu thực tế nhiều địa phương đã tự xoay sở tìm mọi cách huy động nguồn lực phục vụ chương trình, dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán.
Theo số liệu thống kê thì nhiều tỉnh sa lầy trong nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới. Tôi phải dùng từ "sa lầy" vì có những tỉnh gần 1000 tỷ. Chủ yếu tập trung tại các công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, ông Cương nhấn mạnh.
Hạn chế tiếp theo được ông Cương chỉ ra là lãng phí trong xây dựng các công trình. Trên thực tế, sau khi đầu tư xây dựng với số tiền hàng chục tỷ thì nhiều nhà văn hóa vẫn cửa đóng then cài, còn khu thể thao thì vắng lặng đìu hiu. Lý do một phần là do xây dựng mà nhiều đại biểu đã đề cập đến là xây dựng nhưng không tổ chức các hoạt động, các sự kiện để phát huy tác dụng của nó, phần nữa là nó lại bất tiện vì nằm xa trung tâm cho nên mỗi khi hội họp hay tổ chức một hoạt động gì đó lại tổ chức ở Uỷ ban nhân dân xã cho tiện.
Có nơi người dân bức xúc việc xây dựng các nhà văn hóa hay khu thể thao ở một số xã chỉ cốt đạt chỉ tiêu nông thôn mới, không phải vì nhu cầu bức thiết của người dân, đại biểu phân tích.
Ông Cương cũng nêu một ví dụ nhỏ nữa trong việc lãng phí đó là khi đi qua những nơi được công nhận nông thôn mới không hiểu vì sao nhiều pano, khẩu hiệu đến thế.
Ở một số địa phương dọc quốc lộ, tỉnh lộ, khẩu hiệu hộp cứng viền nhôm đặt san sát nhiều cây số. Vẫn biết Việt Nam là nước nhiều khẩu hiệu nhất thế giới, nhưng để phục vụ công tác tuyên truyền thì có cần nhiều khẩu hiệu đến như thế không. Kinh phí để thực hiện công việc này nếu không lấy từ ngân sách thì cũng lấy tiền của người dân, đại biểu góp ý.
Nguyên Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.