Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng chưa có cơ sở nào cho việc nâng giá mạnh. Biên độ giao dịch của đồng NDT hiện là 0,5% sẽ chưa được thay đổi.
Ông Li Daokui, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong bài phỏng vấn mới nhất đã nói: “Trung Quốc đã chấm dứt chính sách tỷ giá áp dụng trong thời khủng hoảng khi kinh tế hồi phục và áp lực lạm phát tăng lên. Xu thế của NDT trong tương lai phụ thuộc vào biến động của euro và xu thế của những loại tiền tệ lớn khác”.
Quyết định trên có thể làm giảm những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc trong buổi họp G20 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/6 tại Toronto (Canada) và giảm áp lực từ phía các nhà hoạch định chính sách Mỹ, những người đã hối thúc Tổng thống Obama sử dụng trừng phạt thương mại để buộc Trung Quốc thay đổi chính sách.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đồng NDT với tỷ giá linh hoạt sẽ giúp Trung Quốc có thêm tự chủ về chính sách tiền tệ, giảm áp lực lạm phát thông qua giảm chi phí nhập khẩu hàng hóa.
Tỷ giá NDT trong 12 tháng tới trong phiên giao dịch ngày 18/6 tăng mạnh nhất trong 1 năm. Trong phiên, đồng NDT tăng 0,6% lên mức 6,7081 NDT/USD, như vậy đồng NDT sau 12 tháng có thể tăng 1,8% từ mức 6,8202 NDT/USD.
Tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc tháng 5/2010 leo lên mức 3,1%, cao nhất trong 19 tháng và vượt mức mục tiêu của chính phủ. Tỷ lệ lãi suất cơ bản hiện ở mức 5,31%. Tỷ lệ thất nghiệp 4,2%.
Theo chủ tịch Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc, các công ty xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc nâng giá đồng NDT, một số công ty có thể phá sản bởi lợi nhuận biên hiện chỉ ở mức 3%.Trong khi đó, nhóm công ty hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như Lenovo hay China Eastern Airlines cho biết họ sẽ hưởng lợi bởi chi phí nhập khẩu thấp hơn và sức mua người tiêu dùng tăng
Cafeland.vn
Theo PBC, Bloomberg