Cùng với khó khăn chất chồng lên các doanh nghiệp (DN), hàng loạt dự án trên địa bàn Hà Nội cũng “đổ bệnh” càng khiến thị trường BĐS trở nên ảm đạm hơn trong “tháng cô hồn”. Tình trạng này được dự báo chưa thể khởi sắc từ nay đến cuối năm.

Đổ bệnh

Chưa bao giờ các dự án BĐS trên địa bàn Hà Nội lại nảy sinh nhiều vấn đề như hiện nay. Sau khi hàng loạt dự án bỏ hoang bị “điểm danh” vẫn chưa tìm ra cách giải thật hiệu quả, nhiều dự án khác cũng đang đứng trong tình trạng ngắc ngoải khi khách hàng biểu tình đòi rút lại vốn như Hanoi Time Towers, Binh Đoàn 12 Ngọc Hồi, Tricon Towers, Mê Kông Plaza, Binh Đoàn 12 Đại Mỗ, Tây Thiên Minh…

Điều đáng nói, trước đó những dự án này đều được chủ đầu tư quảng bá rất rầm rộ và nhận được kỳ vọng của rất nhiều nhà đầu tư.

Dự án CT2 Văn Khê (Hà Đông) chưa hoàn thiện,
chủ đầu tư vẫn ép khách hàng nộp tiền và nhận bàn giao nhà.

Mới đây, một số dự án cũng khiến khách hàng “ngồi trên đống lửa” khi đã đóng đến 90% giá trị hợp đồng nhưng nhà vẫn là... bãi đất hoang hoặc mới xây thô. Điển hình là dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông) yêu cầu nộp tiền đợt 3 lên tới trên 90% giá trị căn hộ, trong khi dự án mới chỉ xây khung.

Dự án CT2 Văn Khê (Hà Đông) bị cư dân phản đối khi chủ đầu tư ép khách hàng nhận nhà khi nhà chưa thể ở được. Trước đó, dự án này cũng từng bị khách hàng phản đối khi chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp là Công ty Ba Đình 1, đã thu đến 90% tổng giá trị căn hộ, quá thời hạn bàn giao nhà nhưng công trình mới chỉ ở giai đoạn xây thô.

Đặc biệt phải kể đến “siêu” dự án Gamudacity (Hoàng Mai, Hà Nội) sau gần 1 năm cấp phép hiện vẫn chỉ là những bãi cỏ hoang khiến nhà đầu tư nháo nhào rao bán để tháo chạy khỏi dự án.

Một vụ việc cũng khiến cơ quan chức năng đau đầu là nhiều khách hàng đã đóng đến 90% giá trị căn hộ tại chung cư CT3 (thuộc khu đô thị mới Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) qua Công ty Đầu tư và Phát triển thương mại Hạ Long nhưng không có tên trong danh sách được giao nhà.

Nguyên nhân do phía Công ty Hạ Long chưa đóng đủ tiền hợp đồng cho chủ đầu tư là CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội. Tình trạng này cũng xảy ra tại một số dự án khác khi hình thức mua nhà qua công ty thứ cấp rất phổ biến trên thị trường.

Kết quả kiểm tra mới đây của TP Hà Nội cũng khiến nhiều người giật mình khi nhiều quận, huyện đang tồn tại các dự án mà chủ đầu tư ôm đất đến hàng chục năm không triển khai nhưng không hề bị xử lý. Đơn cử như địa bàn quận Ba Đình - nơi tấc đất tấc vàng - hiện có ít nhất 9 dự án đã chậm tiến độ triển khai nhiều năm.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND quận Ba Đình chỉ nêu lên 5 dự án chậm tiến độ, trong đó dự án chậm triển khai nhất đã kéo dài suốt 13 năm và dự án chậm ít nhất cũng 9 năm. Nhiều dự án vẫn còn nguyên hiện trạng như hồi mới được cấp phép, nhiều dự án lại được chủ đầu tư “sáng tạo” dùng làm bãi giữ xe…

Đau đầu tìm thuốc giải

Theo các chuyên gia BĐS, xảy ra tình trạng trên do suốt thời gian dài thị trường BĐS phát triển theo bề nổi, việc đầu tư của nhiều DN theo xu hướng ăn xổi, găm dự án trong khi tiềm lực tài chính không có.

Theo ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, điều này thể hiện rõ ở các DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động của khách hàng là chủ yếu.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ, cho rằng việc thị trường đi xuống, các dự án nảy sinh vấn đề là hệ quả tất yếu từ đầu tư thiếu thực chất của các DN BĐS.

Ông Lê Đức Hải, Chủ tịch HĐQT INT Group, cũng khẳng định suốt một thời gian dài, việc kiếm tiền từ BĐS quá dễ, các chủ đầu tư chưa kịp làm xong dự án này đã "vẽ" ra nhiều dự án khác cốt để kiếm lời thật nhanh. Việc chỉ mải mê kiếm tiền, chạy theo đường lối đầu tư phong trào mà không tôn trọng thị trường, không tôn trọng khách hàng, đưa ra những sản phẩm không dựa trên sự nghiên cứu thị trường nghiêm túc đã dẫn đến sự méo mó.

Tuy nhiên, dưới góc độ nhà quản lý, ông Vũ Xuân Thiện cho rằng, việc thị trường BĐS “có vấn đề”, DN BĐS xuống dốc dẫn đến sự đình đốn của các dự án cũng có nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý. Đó là định hướng của thị trường BĐS chưa theo kịp cơ chế thị trường và nhu cầu xã hội.

Việc cấp phép phát triển dự án tại một số địa phương không theo quy hoạch, phát triển tràn lan không được nghiên cứu đầy đủ nhu cầu sử dụng BĐS tại địa phương. Hệ thống tổ chức quản lý điều hành thị trường BĐS chưa thể hiện được vai trò chủ động tham gia với tư cách chủ sở hữu đất đai...

Để giải bài toán này, theo các chuyên gia, không thể một sớm một chiều và phụ thuộc vào quyết tâm của các cơ quan chức năng. Việc “đổ bệnh” hàng loạt của các dự án cũng là cơ hội tốt để thanh lọc thị trường. Những dự án chậm tiến độ, bỏ hoang… do chủ đầu tư không đảm bảo về năng lực tài chính, cố tình găm đất nên cương quyết thu hồi.

Bộ Xây dựng đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện việc quản lý thị trường BĐS. Theo đó, cùng với 500 dự án BĐS nằm trong diện phải tạm dừng, rà soát lại tại Hà Nội, nhiều dự án khác cũng sẽ phải tạm dừng.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.