Nước dột lênh láng trong hầm để xe chung cư SaigonRes Plaza
Gần đây nhất, cư dân chung cư An Gia Garden và chủ đầu tư (quận Tân Phú, TP.HCM) đã có những tranh chấp nảy lửa liên quan đến tiện ích dự án. Cư dân chung cư này cho rằng, trước đây khi mua căn hộ, chủ đầu tư giới thiệu dự án có quy mô 33.000m2, 15 tầng nổi với tổng cộng 390 căn hộ. Trong đó, gồm 13 tầng căn hộ, 2 tầng thương mại và 2 tầng hầm.Thế nhưng khi nhận nhà thì 2 tầng thương mại đã biến thành officetel và các căn shop thương mại.
Khi sự việc được cư dân phản ánh, đại diện An Gia Investment cho biết hai tầng thương mại này thuộc về đơn vị Nakyco, An Gia trước đây mua 13 tầng căn hộ để phát triển. Việc chuyển từ thương mại sang office-tel do Nakyco thực hiện. Với việc chủ đầu tư này biến hai tầng thương mại thành officetel, cư dân 13 tầng trên không chỉ mất tiện ích mà còn phải chia sẻ thêm sức ép vì lượng người ở tăng.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia cho rằng sau những sự việc này công ty sẽ thận trọng và nghiên cứu kỹ khi có những vấn đề hợp tác dự án, với những dự án sau này của An Gia thì hoàn toàn thuộc sở hữu của An Gia 100%.
Tương tự cư dân sống tại chung cư SaigonRes Plaza (Bình Thạnh, TP.HCM) do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư đã rất bức xúc khi chung cư này dù được gắn mác cao cấp nhưng mới nhận nhà được vài tháng thì căn hộ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân, họ đã nhiều lần chứng kiến cảnh nước dột lênh láng trong hầm để xe, chảy qua cả đường dây điện, hệ thống thoát nước tại một số tầng có hiện tượng bị trào ngược, sủi bọt mỗi khi trời mưa khiến nước thải bẩn tràn vào nhà. Cũng theo các cư dân nơi đây thiết bị vệ sinh sử dụng cho căn hộ dù chỉ mới sử dụng được mấy tháng nhưng nhiều thiết bị đã rỉ sét.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại chung cư The Easter City (chung cư 6B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư đưa vào sử dụng ít lâu thì đã hỏng hóc, nhiều căn hộ gạch vữa bong tróc, tường nhà bị thấm dột.
Không chỉ vậy, gây bức xúc cho cư dân nhiều nhất vẫn là các tiện ích phục vụ cho cuộc sống của người dân như công viên, khu thể thao và nhất là hồ bơi dù nhận nhà từ cuối năm 2015 đến nay nhưng hạng mục này vẫn chưa được xây dựng.
Giới đầu tư bất động sản cho rằng, khi mua nhà khách hàng không chỉ quan tâm đến căn nhà hay giá cả mà còn nhắm đến các yếu tố tiện ích phục vụ cho cuộc sống cũng như kết nối hạ tầng với khu vực lân cận. Nắm bắt tâm lý này nhiều doanh nghiệp khi tung sản phẩm ra thị trương thường “nâng tầm” các tiện ích để thu hút khách hàng. Hiệu quả trước mắt có thể thấy được nhưng về lâu dài khi khách hàng nhận nhà về sinh sống mâu thuẫn phát sinh thì không chỉ người mua nhà chịu thiệt mà uy tín của các chủ đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group, có những dự án chủ đầu tư tiết giảm tiện ích, chỉ đầu tư những tiện ích thiết thực đáp ứng được nhu cầu của cư dân và có giá trị sử dụng. Thế nhưng cũng có những dự án chủ đầu tư hay đua nhau về tiện ích, thậm chí có dự án liệt kê ra đến 80-90 tiện ích để thu hút khách hàng. Nhưng nếu để ý sẽ thấy có những tiện ích chẳng để làm gì cả trong khi giá bán thì bị dội lên, người mua nhà sẽ là người chịu. Do vậy, khách hàng phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.