Theo báo cáo của JLL Việt Nam, thời điểm quý I năm nay, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc đạt khoảng 9.500 ha. Thế nhưng, làn sóng dịch Covid-19 thứ ba ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Bắc cuối tháng 1 đã tác động đến các quyết định đầu tư của một số dự án mới vào khu vực.
Đặc biệt, theo nhận định của JLL Việt Nam, việc phong tỏa toàn bộ tỉnh Hải Dương đã dẫn đến sự đình trệ các hoạt động sản xuất công nghiệp ở nhiều tỉnh miền Bắc trong quý I.
Theo anh Nguyễn Hoàng Giang (TP Hưng Yên), một người chuyên môi giới đất công nghiệp: Trước đây, đất công nghiệp tại khu vực Văn Giang (Hưng Yên) có vị trí thuận tiện, gần Hà Nội nên giá lúc nào cũng trên 3 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số miếng đất ở vị trí mặt đường đẹp có giá lên tới 4 - 4,6 triệu đồng/m2.
Giá đất công nghiệp biến động mạnh thời gian qua (ảnh: Thế Hưng).
"Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá đất công nghiệp tại đó giảm mạnh về 1,9 triệu đồng/m2. Hiện nay, tuy đã nhích lên 2,2 - 2,3 triệu đồng/m2, nhưng giá đất vẫn rẻ hơn nhiều so với trước", anh Giang cho hay.
Mỹ Hào (Hưng Yên) là một trong những huyện phát triển nhất của Hưng Yên, nhưng tương tự như Văn Giang, đất công nghiệp tại Mỹ Hào đã có thời điểm chỉ còn 1,9 - 2 triệu đồng/m2. Cách đây khoảng 1-2 tháng, giá đã tăng 500.000 đồng/m2, nhưng theo anh Giang, khi dịch bệnh quay trở lại, giá có thể sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi xuống như năm ngoái.
Giá đất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào vị trí, khu vực huyện, đường giao thông. Tuy nhiên, theo người môi giới này, lý do giảm là nhiều doanh nghiệp đẩy đất đi, không muốn "ôm" trong thời điểm dịch bệnh. Bài học về cách đầu tư này đã có từ các đợt dịch trước.
Sau đợt dịch gần đây nhất, ngành sản xuất phục hồi mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu về bất động sản công nghiệp tăng trở lại. Theo báo cáo của JLL Việt Nam, giá đất công nghiệp đã chạm mức 107 USD/m2/chu kỳ thuê vào quý I, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thị trường Bắc Ninh có mức tăng mạnh mẽ nhất, ở mức 9% nhờ vào sự ra đời của một số nhà xưởng xây sẵn mới có chất lượng cao. Ngoài ra, nhờ vào làn sóng FDI vào nửa cuối năm 2020, đặc biệt từ lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp vẫn được duy trì ở mức 75%.
Đất công nghiệp tại Ân Thi (Hưng Yên) đã có thời điểm xuống giá 1,1 triệu đồng/m2.
Chính nhờ làn sóng đó, anh B.X.L (Gia Lâm, Hà Nội) đã có lãi hơn 5 tỷ đồng sau khi lướt nhanh miếng đất có diện tích 12.800 m2 tại Khoái Châu (Hưng Yên). Thời điểm mua, khu đất chỉ có giá 1,1 triệu đồng/m2, nhưng khi bán, giá đã lên gần 1,5 triệu đồng/m2.
"Dù đây là mảnh đất chúng tôi dự định xây dựng nhà xưởng kinh doanh lâu dài, nhưng thấy có lãi ngay nên tôi quyết định bán. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh bùng phát trở lại, bất động sản công nghiệp có thể sẽ biến động giống năm ngoái, nên tôi đang chờ để bắt đáy", anh L cho hay.
Thời gian tới để đón đầu vốn đầu tư nước ngoài, các địa phương đã thúc đẩy việc mở rộng các khu công nghiệp, với khoảng 10.500 ha đất đã được quy hoạch thêm. Các tỉnh xa hơn về phía Bắc như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc đang thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, các chuyên gia dự đoán, giá đất ở các khu vực này sẽ tiếp tục tăng ở mức 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Song, với diễn biến khó lường của dịch bệnh, việc tăng trưởng giá đất công nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ. Người dân có nguồn tiền nhàn rỗi hoặc giới đầu tư cần thận trọng nghiên cứu kỹ thị trường, tránh mua đắt rồi cắt lỗ giá rẻ hoặc nguồn tiền bị "găm" vào đất khi thị trường đóng băng.
-
Hàng loạt dự án trung tâm thương mại tại Hưng Yên dính sai phạm
CafeLand - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa đưa ra kết luận về việc thực hiện quy hoạch, xây dựng trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên, thời kỳ 2011 – 2018.
-
Ngồi nơi cửa nhà, nghĩ về hạnh phúc
“Trải bao giông bão trong đời. Để yêu một sớm ngồi nơi cửa nhà”…
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam thu lợi hàng trăm tỉ từ mảng bất động sản, có hơn 1.130ha đất khu công nghiệp
Nhà sản xuất thép Hòa Phát hiện đang sở hữu và vận hành 3 khu công nghiệp lớn với tổng diện tích được duyệt quy hoạch là 1.133ha.
-
Tuyến đường liên tỉnh gần 3.000 tỷ đồng tại Hưng Yên chuẩn bị cán đích, đón dự án tỷ đô của Tập đoàn Trump
Tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đang dần hoàn thiện và dự kiến có thể khai thác vào năm 2025.