Nhiều năm nay, hàng nghìn người dân đang sống tại các khu nhà ở thu nhập thấp xây dựng đầu tiên trên địa bàn Hà Nội vẫn mòn mỏi chờ đợi mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (hay còn gọi là Sổ hồng). Lý do là bởi, hiện giá mua nhà vẫn chỉ là “tạm tính”, chưa được quyết toán, nên người dân chưa có hợp đồng mua nhà chính thức để tiến hành các thủ tục làm sổ đỏ theo đúng quy định.
Khu nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) là dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên tại Hà Nội và bàn giao sớm nhất trên cả nước, lại được bán với giá hơn 8 triệu đồng/m2 – một mức giá quá lý tưởng đối với người thu nhập thấp trong thời điểm thị trường bất động sản đang sôi động. Hơn 300 căn hộ của dự án này đã nhanh chóng có chủ và được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2011.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi (áo trắng) - Trưởng Ban Quản trị tòa nhà 19T6 khu nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, Hà Đông
Thế nhưng, hơn 4 năm đã trôi qua, cư dân ở đây vẫn mòn mỏi chờ đợi mà chưa được cấp sổ đỏ. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các dự án nhà thu nhập thấp khác như Đặng Xá 1 (Gia Lâm), Kiến Hưng (Hà Đông), Sài Đồng (Long Biên), Đại Mỗ (Từ Liêm). Cư dân ở các khu nhà này thiệt thòi hơn những người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, bởi lẽ lúc đó chưa có gói 30.000 tỷ đồng, nên họ không được vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi của Nhà nước.
Để mua được một căn hộ tại tầng 12, nhà 19T6, có diện tích 70 m2 tại khu nhà ở cho người thu nhập thấp Kiến Hưng, Hà Đông, gia đình ông Lê Văn Rồng đã phải chạy vạy khắp nơi vay tiền, nhưng vẫn không gom đủ 810 triệu đồng. Không còn cách nào khác, cán bộ hưu trí này đã phải vay 200 triệu đồng ở bên ngoài với lãi suất 15%/ tháng, tương đương với 3 triệu đồng/ tháng. Khoản tiền này là không hề nhỏ với tổng thu nhập eo hẹp chỉ khoảng 7 -8 triệu đồng cho gia đình 3 người.
Ông Lê Văn Rồng chia sẻ, ông mong ngóng sổ hồng từng ngày, bởi chỉ có cuốn sổ đó mới có tài sản thế chấp vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn, sớm trả được hết khoản nợ hiện tại và giảm gánh nặng tài chính hàng tháng cho gia đình.
Trong số hàng trăm hộ dân ở khu nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, không ít người đang từng tháng phải gồng lưng trả nợ với lãi suất cao như gia đình ông Lê Văn Rồng. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Trưởng Ban Quản trị tòa nhà 19T6 cho biết, đã ở ổn định mấy năm nay, nhưng giá mua bán nhà vẫn chỉ là giá tạm tính (11,57 triệu đồng/m2). Lo lắng về việc trả nợ bao nhiêu, cư dân ở đây lại bức xúc vì sự thờ ơ, chậm trễ của chủ đầu tư bấy nhiêu.
“Đối với cư dân ở nhà thu nhập thấp này, để mua được nhà là một vấn đề cực kỳ khó khăn và cố gắng. Nhưng đến hiện nay, mặc dù ở đã lâu rồi nhưng việc chưa có sổ hồng cho cư dân là vấn đề mà bà con rất bức xúc. Nhiều cư dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm kinh tế, nhưng hiện không có sổ hồng nên không thực hiện được. Rất mong muốn chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước để cấp sổ hồng cho cư dân trong thời gian sớm nhất”, ông Khởi đề xuất.
Ông Lương Văn Phan - Phó Ban Quản trị nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1, Gia Lâm (Hà Nội)
Không chỉ có cư dân ở Kiến Hưng, người dân ở khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá 1, Gia Lâm, Hà Nội cũng trong tình cảnh tương tự. Đã 4 năm chờ đợi, hết lần này đến lần khác chủ đầu tư hứa rồi thất hứa, cư dân vẫn chưa biết đến bao giờ mới nhìn thấy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của mình.
Theo ông Lương Văn Phan, Phó Ban Quản trị khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1, không có sổ hồng, người dân không làm được hổ khẩu, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.
“Hiện nay chưa có giá chính thức nên chưa có hợp đồng chính thức, có nghĩa là quyền sở hữu của người dân chưa được công nhận, chỉ được công nhận quyền sử dụng thôi. Vì thế cho nên chưa có sổ hồng sổ đỏ gì cả. Nếu như 1,2 tháng hay 3,4 tháng, 1,2 năm thì người dân sẽ không bức xúc nhưng đến nay đã 4 năm rồi. Trong khi người dân đã làm đầy đủ nghĩa vụ rồi, nộp hết tiền, thuế, phí bảo trì rồi, như vậy là vô lý”, ông Phan bày tỏ.
Được biết, đến thời điểm này, Sở Xây dựng Hà Nội mới chỉ nhận được quyết toán giá của chủ đầu tư khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá 1, Gia Lâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các chủ đầu tư và cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ quyết toán giá, cũng như giải pháp tháo gỡ vấn đề này./.
-
eMagazine: “Cơn khát” nhà giá rẻ sắp được giải toả?
Nhà ở xã hội, phân khúc đáp ứng nhu cầu của rất đông người dân tại các thành phố lớn, đang nóng trở lại với sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của các doanh nghiệp bất động sản lớn....
-
Nhà ở cho công nhân nhưng rất ít công nhân mua được, Bộ Xây dựng nói gì?
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri với nội dung hiện nay rất ít người lao động thu nhập thấp mua được nhà ở công nhân do giá bán cao và công nhân không đáp ứng được những quy định về vay vốn, về điều kiện được mua....
-
Doanh nghiệp đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ngày 1/8, doanh nghiệp đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.