Nhìn nhận một cách khách quan, có 3 nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh tế thực sự của các nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Còn rất nhiều các nhà thầu xây dựng vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho mình khi thị trường bất động sản vẫn chưa ổn định và áp lực về sự cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng gia tăng
Hệ thống đơn giá thiếu sự ổn định và phức tạp
Định mức tiêu hao vật tư các công việc xây dựng là cố định, tuy nhiên một số công việc cũng đã thay đổi trong hai năm qua. Tuy nhiên đơn giá xây dựng mới là sự đau đầu của các nhà thầu Việt Nam. Các loại vật liệu mới liên tục ra đời rất khó cập nhật trong công bố giá, hệ số lương nhân công cũng thay đổi liên tục.
Thời gian xây dựng một công trình thường kéo dài nhiều năm. Từ lúc trúng thầu đến khi công trình đi vào thi công, tất cả các loại giá vật liệu, nhân công, máy đều thay đổi theo thị trường. Công tác làm bù giá khi thanh toán thật sự rất phức tạp. Các nhà thầu thường tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng việc thanh quyết toán một công trình thường kéo dài qua nhiều khâu và cần rất nhiều loại hồ sơ. Các chi phí lãi vay thường bị tăng lên dẫn đến hiệu quả kinh tế giảm xuống.
Hiện tại, trong thời điểm việc ít người nhiều, rất nhiều công ty xây dựng phải chấp nhận giảm giá thi công để lấy việc nuôi quân. Và sự cạnh tranh công việc giữa các công ty càng cao thì giá bỏ thầu các công trình ngày càng thấp. Nhưng thực sự, khi công việc không đem lại hiệu quả kinh tế thì về lâu dài các nhà thầu xây dựng cũng khó có thể tồn tại được.
Nhân sự thiếu tính chuyên nghiệp
Thị trường nhân công trong ngành xây dựng phần lớn là thợ không chuyên, xuất phát từ nông thôn làm nghề tay trái. Nghề công nhân xây dựng là một nghề thực sự vất vả và môi trường làm việc không ổn định nên khó có thể đòi hỏi sự chuyên môn hóa.Do công việc có tính thời vụ, rất ít các công ty xây dựng có được một đội ngũ nhân công chuyên nghiệp, lành nghề và gắn bó dài lâu.
Đội ngũ nhân công không chuyên vẫn có thể đạt chất lượng thi công công trình dưới sự chỉ đạo và giám sát của các kỹ sư. Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp này rất ảnh hưởng tới quá trình thì công: Từ tác phong làm việc công nghiệp, an toàn vệ sinh môi trường. Và đặc biệt tạo thế bị động về phía các công ty xây dựng nếu như tiến độ yêu cầu huy động số lượng lớn nhân công lành nghề trong khoảng thời gian cao điểm như cuối năm.
Về phía các trường đào tạo kỹ sư cũng nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tế nên những kỹ sư xây dựng mới ra trường phải trải qua vài công trình mới thực sự có nghề. Tuy nhiên mức thu nhập không tương xứng cũng như yêu cầu di chuyển địa điểm liên tục cũng khiến nhiều người tâm huyết khó gắn bó lâu dài.
Đầu tư công nghệ thi công còn khiêm tốn
Trong quy trình thi công công trình xây dựng, để đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công thường đòi hỏi sự ứng dụng của công nghệ khoa học ngày càng cao. Các công nghệ thi công mang tính sáng tạo, rút ngắn thời gian thi công và tăng chất lượng công trình đòi hỏi sự đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên phần lớn các công ty xây dựng lâu năm vẫn trung thành với các thiết bị máy móc công nghệ cũ do thiếu vốn đầu tư công nghệ mới. Không đầu tư máy móc thiết bị đạt chuẩn, các nhà thầu xây dựng Việt Nam thiếu đi năng lực cạnh tranh trúng thầu so với các nhà thầu nước ngoài.
Do đó không ít những công trình lớn của Việt Nam đã rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Và thực chất những nhà thầu Việt Nam lại trở thành nhà thầu phụ, không được hưởng phần hiệu quả kinh tế thực sự. Nhà thầu Việt Nam vẫn bị yếu thế trên thị trường của chính mình.
Trong thị trường các nhà thầu xây dựng hiện nay vẫn có những nhà thầu Việt Nam uy tín về chất lượng thi công và đạt hiệu quả kinh tế như Coteccons, Hòa Bình, Fecon…Nhưng còn rất nhiều các nhà thầu xây dựng vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho mình khi thị trường bất động sản vẫn chưa ổn định và áp lực về sự cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng gia tăng.
Để đạt được tính chuyên nghiệp và sự phát triển, các nhà thầu xây dựng Việt Nam cần tự khắc phục các nhược điểm trên. Đồng thời rất cần phải có sự hỗ trợ của các chính sách mới của nhà nước. Thị trường bất động sản và thị trường xây dựng luôn là hai yếu tố mật thiết gắn bó và là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự đi lên của nền kinh tế chung.