Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TP.HCM) hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn một năm nay, tạo nên diện mạo khang trang cho bức tranh chung của TP. Tuy nhiên, người dân có nhà bị hư hỏng trong quá trình thi công dự án vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường, chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà…
Tết về càng gần, người dân càng lo lắng vì vẫn phải sống trong cảnh nhà cửa xập xệ, rách nát, thậm chí có nguy cơ sụp đổ.
Nơm nớp lo nhà sập
Căn nhà của bà Nguyễn Ngọc Thạch ở 47/44C Tân Hóa, phường 14, quận 6 đang hư hỏng nặng. Đầu năm 2015, nhà thầu của gói thầu số 11 thuộc dự án đã bồi thường cho bà 156 triệu đồng. Nhưng số tiền còn lại (khoảng 104 triệu đồng) của gói thầu số 12 thì bà vẫn chưa nhận được. Ngoài ra, do căn nhà có nguy cơ sụp đổ, khi dự án đang thực hiện dở dang, gia đình bà gồm 14 người phải ra thuê trọ nơi khác. Ban đầu nhà bà còn được chi trả tiền thuê nhà hằng tháng (7 triệu đồng) nhưng từ tháng 7-2015 đến nay, nhà thầu không giao tiền như đã cam kết trước đó.
Gia đình quá khó khăn nên mới đây bà Thạch phải trả lại nhà thuê và trở về căn nhà cũ sống tạm. Tuy nhiên, căn nhà hơn 57 m2 này chỉ còn sử dụng được 16 m2 ở phòng khách phía trước nên chỉ có người mẹ già bệnh tật và một người anh bị tâm thần của bà Thạch ở tạm. Số người khác lại phải chia nhau đi ở trọ bên ngoài hoặc tá túc nhà người quen.
Người mẹ bệnh tật và người anh tâm thần của bà Thạch phải sống tạm bợ trong căn nhà có nguy cơ sụp đổ. Ảnh: VIỆT HOA
Bà Thạch thuộc diện gia đình liệt sĩ và có công. Gặp chúng tôi, mẹ bà Thạch than thở: “Tôi bị bệnh nặng nên không dám ở phòng trọ vì sợ chết ở nhà người ta thì tội nên đành quay về đây sống tạm. Cả nhà tôi phải phân tán khắp nơi, cuộc sống khó khăn vô cùng”.
Nhà thầu lánh mặt, gần 160 hộ dân khốn khổ
Theo báo cáo của UBND quận 6, toàn dự án có 608 căn nhà bị ảnh hưởng (lún, nứt, có nguy cơ sụp đổ). Tiến độ xử lý các căn nhà hư hỏng này của đơn vị thi công diễn ra rất chậm và kéo dài. Cụ thể là đến tháng 7-2014, tỉ lệ giải quyết hoàn tất là 3%; đến tháng 7-2015 là 51%; tháng 11-2015 là 74%. “Từ thời điểm đó đến nay, đơn vị thi công chưa giải quyết thêm trường hợp nào cho người dân” - UBND quận 6 cho biết.
Theo thống kê của UBND quận 6, hiện còn 159 trường hợp chưa được giải quyết, trong đó có 26 trường hợp người dân đã đồng ý giá bồi thường nhưng chưa được trả tiền hoặc sửa lại nhà. Số còn lại chưa giải quyết, trong đó có 107 hộ dân từ khi hoàn thành dự án đến nay đơn vị thi công chưa một lần mời đến thương lượng về giá cả để bồi thường. Không những thế, từ tháng 10-2015 đến nay, đơn vị thi công còn nợ tiền hỗ trợ thuê nhà cho 38 hộ có nhà trong diện nguy cơ sụp đổ.
Trước tình trạng chây ỳ và dây dưa kéo dài bồi thường, cuối tháng 12-2015, UBND quận 6 đã có văn bản báo cáo UBND TP. Sau đó UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP (gọi tắt là BQL) và các đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, kiên quyết xử lý.
Theo đó, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị BQL phối hợp đơn vị thi công và UBND phường thương lượng trực tiếp với người dân. Trong đó, ưu tiên tổ chức thương lượng trước với các trường hợp nhà trong tình trạng nguy hiểm; các trường hợp đã có cam kết bồi thường của nhà thầu từ trước mà chưa thực hiện bồi thường thì phải hoàn thành xong trước ngày 15-1.
Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì từ phía chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công. Không biết xuân này người dân sẽ đón tết sao đây…
Hứa cho nhiều rồi… biệt tăm Bà Lê Thị Mười ở nhà 101/50D9 Tân Hóa cũng phải “trầy vi tróc vảy” đi khiếu nại khắp nơi mới được nhà thầu nâng mức bồi thường căn nhà bị hư hỏng từ 60 triệu lên 125 triệu đồng. Nhà thầu này cũng hứa trả cho bà theo từng đợt như trường hợp bà Nguyễn Ngọc Thạch. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn đợt 1 và còn chưa đầy một tuần nữa hết đợt 2 mà bà cũng không biết cách nào liên lạc được với nhà thầu. Chây ỳ với dân UBND quận 6 cho biết quận đã mời chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công xuống để xử lý việc thương lượng bồi thường cho người dân nhưng các cơ quan này không xuống hoặc không thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra. |