13/12/2012 1:08 PM
Dư luận xã hội cũng như báo chí đang và sẽ còn tiếp tục nói nhiều đến nợ xấu – một trong những vật cản lớn của nền kinh tế. Nợ xấu có liên quan từ hai phía: Ngân hàng là chủ nợ, doanh nghiệp là con nợ. Tuy nhiên, trên thương trường hiện thời, không chỉ có nợ xấu của ngân hàng mà còn phát sinh những loại nợ dây dưa của nhiều đối tượng khác nhau.
Chủ đầu tư với nhà thầu (A với B) đang là "sân chơi” có nhiều khoản nợ đọng gây ra hệ lụy nghiêm trọng trên nhiều mặt. Các nhà thầu thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) được coi là "điển hình” của tình trạng điêu đứng vì nợ đọng khó đòi.
Ngành giao thông vận tải hiện có 6 tổng công ty xây lắp đường bộ và một tổng công ty xây lắp đường thủy. Đó là những nhà thầu chuyên nghiệp đối với các công trình, dự án thuộc lĩnh vực GTVT quy mô lớn. Những năm trước đây, các tổng công ty xây lắp ngành GTVT liên tục "bội thu”cả về doanh số hoạt động cũng như mức thu lãi. Làm đường, xây cầu trở thành "sân chơi” riêng biệt của các doanh nghiệp xây lắp thuộc ngành GTVT. Gió đã xoay chiều kể từ 2012 đối với các nhà thầu giao thông vận tải. Có thể nói rằng: 2012 là "năm đen tối” của các tổng công ty xây lắp ngành này.
Đến thời điểm này, các tổng công ty xây lắp GTVT đều trở thành chủ nợ bất đắc dĩ. Hầu hết các chủ đầu tư đều là con nợ. Tình trạng B nợ A (chủ đầu tư nợ nhà thầu) trở nên phổ biến với mức nợ lớn, dây dưa kéo dài nhiều năm. Tính bình quân, đến đầu quý IV/2012, mỗi tổng công ty xây lắp GTVT còn bị chủ đầu tư treo khoản nợ lên đến hơn 500 tỷ đồng. Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 và Tổng công ty Thăng Long đứng đầu về khoản nợ chưa được chủ đầu tư thanh toán, mỗi tổng công ty còn "ôm” số tiền nợ hơn 800 tỷ đồng. Tương tự như vậy, các chủ đầu tư còn nợ tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 hơn 700 tỷ đồng. Xếp vào hàng đứng sau nhưng Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 cũng như Tổng công ty Đường thủy đang bị chủ đầu tư khất tiền nợ hơn 500 tỷ đồng.
Để trở thành nhà thầu, các tổng công ty nói trên đều phải "chọi nhau” thông qua đấu thầu. Mặc dù được phê duyệt theo đúng quy trình nhưng hầu hết các dự án đều không có nguồn vốn tại thời điểm khởi công. Sau khi thắng thầu, vì bên A chưa có tiền vốn, bên B (nhà thầu) buộc phải tự huy động kinh phí thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết. Từ hạng mục đầu tiên cũng như suốt cả quá trình triển khai dự án, việc thanh toán của bên A luôn luôn chậm trễ, thậm chí dây dưa kéo dài năm này qua năm khác. Không thu được khoản vốn đã "ném” vào dự án của bên A (lên đến hàng trăm tỷ đồng) các nhà thầu gánh chịu hệ lụy nặng nề. Từ chỗ là chủ nợ của bên A, chủ thầu chở thành con nợ của nhiều đối tượng: nợ ngân hàng, nợ tiền lương người lao động, nợ đơn vị cung ứng vật tư, nợ tiền đóng bảo hiểm, nợ tiền thuế… Tính riêng 2 khoản nợ tiền lương và bảo hiểm, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây lắp GTVT còn treo khoản nợ của người lao động lên đến gần 430 tỷ đồng. Chủ đầu tư nợ nhà thầu, đến lượt nhà thầu (các tổng công ty) trở thành con nợ của nhiều đối tượng.
Nợ chồng lên nợ, hậu quả đè lên vai Nhà nước, DN và người lao động. Không có tiền vốn vẫn cứ chạy đua làm dự án, đó là căn nguyên sinh ra tình trạng bi đát nói trên.
Theo Bá Tân (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.