Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục khẳng định, các chung cư tái định cư tới đây sẽ có kinh phí để bảo trì. Diện tích cho thuê ở nhóm nhà tái định cư đạt doanh thu khoảng 28 - 30 tỷ đồng, đủ bù đắp cho việc duy trì kinh phí sửa chữa. Với nhiều giải pháp, sẽ khắc phục được tình trạng “botay.com” nhiều năm nay.

Nhiều chung cư tái định cư ở Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng, nhưng có nhiều rào cản gây khó khăn cho việc quản lý, điều hành. Ảnh: Trường Phong.

Sao dồn cái khó cho dân?

Trong cuộc giám sát tại Sở Xây dựng mới đây, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đặt vấn đề, qua công tác giám sát, phát hiện rất nhiều hạn chế, bất cập trong vận hành, quản lý chung cư tái định cư thời gian dài nhưng chưa khắc phục được. Theo ông Quân, còn tới hơn 700 căn hộ tái định cư đã có văn bản của UBND bố trí cho các hộ tái định cư đến ở nhưng vẫn chưa có người nhận. “Văn bản bố trí tái định cư đã qua nhiều năm. Vấn đề thuộc trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước của Sở Xây dựng trong việc đôn đốc, chỉ đạo, tháo gỡ. Việc này đã được HĐND chỉ ra từ năm 2015”, ông Quân nói. Ông Quân cũng chỉ rõ, có tới hơn 300 căn nhà tái định cư không đúng đối tượng, trong khi nhiều căn hộ còn bỏ trống, nằm rải rác ở các tòa nhà chưa được giải quyết.

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội thông tin, còn rất nhiều tòa chung cư tái định cư không thành lập được ban quản trị, trong khi diện tích sinh hoạt cộng đồng, diện tích chung riêng cũng chưa được bàn giao. Cùng với đó, nhiều tòa nhà chưa được bàn giao quỹ bảo trì. Những vấn đề này có trách nhiệm của Sở Xây dựng. Ông Quân cũng băn khoăn về việc thu phí bảo trì không có sự bình đẳng giữa các tòa nhà thuộc các đơn vị quản lý. “Cùng tái định cư nhưng thực hiện khác nhau.

Trên thực tế thành phố vẫn phải hỗ trợ kéo dài trong nhiều năm. Việc này chậm thay đổi. Phải đánh giá xem trách nhiệm của Cty quản lý hay của quận, huyện, Sở Xây dựng trong việc chậm tham mưu cho thành phố xử lý những tồn tại trong thu phí quản lý bảo trì”, ông Quân nói. Về vấn đề PCCC, hiện còn tới 152 tòa chung cư tái định cư chưa đủ điều kiện PCCC. “Thành phố đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, đã quyết định dùng ngân sách của thành phố để khắc phục PCCC, tuy nhiên tiến độ rất chậm. Nguyên nhân vì đâu và bao giờ hoàn thành”?, ông Quân nêu câu hỏi.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề, với chung cư thương mại hình thành trước năm 2006 không có quỹ bảo trì, hiện tại phải đóng quỹ bảo trì, nhưng đối với chung cư tái định cư có thu được phí bảo trì không? “Các đồng chí phải trả lời thành phố câu này. Người dân trong chung cư tái định cư có phải đóng quỹ bảo trì không? Tầng 1, tầng 2 giao cho người khác kinh doanh, được coi là tài sản công của thành phố mà bảo người dân phải đóng tiền bảo trì tòa nhà thì làm sao bảo được. Câu chuyện này phải giải quyết dứt điểm. Phải rà soát lại các văn bản trước đây, kiểm tra lại hợp đồng mua bán nhà tái định cư với người dân”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, người dân bị cưỡng chế lên ở nhà tái định cư sau khi giải phóng mặt bằng. “Cần xem lại hợp đồng nhà tái định cư như thế nào? Làm sao bỏ mặc người dân như thế được? Dồn khó khăn lần thứ 2 cho người dân là sao?”, ông Nam nói. Theo ông Nam, cần phải tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết mâu thuẫn này. Nếu không, HĐND mạnh dạn đề nghị thành phố thu hồi toàn bộ tầng 1,2 để lấy tiền hỗ trợ công tác vận hành, quản lý, sửa chữa nhà tái định cư, bởi hiện nay không thành lập được ban quản trị, không có quỹ bảo trì, tiền thu được chỉ từ dịch vụ thu quét rác cầu thang, mấy chục nghìn thì không thể đủ lo kinh phí sửa chữa thang máy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện nước.

“Bảo ban quản trị đi thu tiền sao được. Hơn nữa không ai muốn tham gia ban quản trị cả. Các đồng chí biết cả rồi chứ không phải là không biết. Vậy tham mưu cho thành phố thế nào? Cty vẫn cứ rung đùi khai thác, thu tiền cho thành phố thì được, không thu được thì thôi, còn lại hỏng hóc, sửa chữa thì kêu thành phố. Trách nhiệm của cả Sở Sây dựng, Sở Tài chính phải tham mưu thành phố giải quyết”, ông Nam nêu.

Ông Nam cũng nhắc đến chất lượng nhà tái định cư, yêu cầu có giải pháp để sửa chữa, bổ sung đảm bảo an toàn cho người dân. “Cái gì vượt quá thẩm quyền sở thì phải trình lên UBND thành phố, nếu vượt quá thì tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng và Thủ tướng. Nếu xảy ra chuyện gì, cháy nổ chung cư, sập nhà, rơi thang máy chết người thì trách nhiệm đầu tiên thuộc UBND thành phố, HĐND thành phố”, ông Nam nói.

Đã hết cảnh “botay.com”?

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, với nhà chung cư tái định cư, xưa nay ai cũng biết các tồn tại, yếu kém của nó, đặc biệt những tòa nhà xây dựng ở giai đoạn đầu, cách đây 17 – 18 năm. “Đau đầu nhất là vấn đề sửa chữa trang thiết bị chung, thấm dột mà không có tiền, rồi phân chia diện tích chung riêng. Điều này Sở Xây dựng cũng phát hiện ra và “botay.com” trong suốt giai đoạn từ 2016 về trước”, ông Dục nói. Theo ông Dục, các đơn vị như Tổng Cty đầu tư và phát triển nhà hay Cty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội bí quá, mới thực hiện thu 30 nghìn đồng/hộ/tháng để có thêm tiền hoặc người dân đóng theo quy định để bù đắp cho chi phí vận hành.

Trước những khó khăn đó, theo ông Dục, từ giữa năm 2016 đến nay, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các cục, vụ, viện, Bộ Xây dựng cố gắng đưa các quy định vào các thông tư, nghị định. “Xin một đồng thì Sở Tài chính, Sở KH&ĐT cũng không cho. Họ bảo đó không phải xây dựng cơ bản không được sử dụng ngân sách mà phải dùng “chính nó để sửa nó” vì đang quản lý hơn 78 nghìn mét vuông cho thuê”, ông Dục nói. Sau nhiều lần phối hợp làm việc, ông Dục cho biết đã gỡ được khó khăn nói trên, dù không thuộc xây dựng cơ bản nhưng được sử dụng một phần chi phí thu được từ diện tích kinh doanh dịch vụ để bù đắp. Theo đó, diện tích cho thuê ở nhóm nhà tái định cư đạt doanh thu khoảng 28 – 30 tỷ đủ bù đắp cho việc duy trì kinh phí sửa chữa. “Sau khi đưa vào quy định, Sở Xây dựng sẽ cùng các sở ngành xây dựng cơ chế để sử dụng kinh phí từ diện tích kinh doanh dịch vụ. Mất 10 vòng trình đi trình lại, ngồi với nhau. Vừa rồi đã xong, trình tập thể UBND thành phố và xong rồi”, ông Dục nói.

Trường Phong (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.