Dù gói 30.000 tỷ đồng đã chính thức được triển khai, nhưng cả ngân hàng và người đi vay đều lúng túng do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tài sản thế chấp
Không phải đến lúc này, vấn đề tài sản thế chấp mới trở nên nóng bỏng khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng chính thức triển khai. Trước đó, nhiều doanh nghiệp, cũng như các ngân hàng đã lo ngại về vấn đề này và cho rằng, đây mới là điểm “nghẽn” cho người thụ hưởng gói tín dụng này.
Tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tổ chức tại TP. HCM vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM tập hợp ý kiến các doanh nghiệp đưa ra kiến nghị: “Đối với nhà ở xã hội (NƠXH), tài sản thế chấp chỉ có căn nhà mua để ở, còn các tài sản khác rất khó thế chấp”.
Thực tế, khi gói 30.000 tỷ đồng chính thức được triển khai, gần như chỉ các doanh nghiệp là dễ dàng tiếp cận, còn điều kiện cho cá nhân còn vướng khá nhiều. Các ngân hàng được chỉ định rất thận trọng khi giải quyết các hồ sơ, vì ngoài chứng nhận là đối tượng thuộc diện được mua NƠXH, thì hiện vẫn chưa có hướng dẫn về trình tự thế chấp, hoặc trong thời gian tài sản thế chấp chưa được phép mua bán, chuyển nhượng, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản thu hồi nợ. Hơn nữa, mức thu nhập thế nào thuộc đối tượng được mua NƠXH thì chưa có một văn bản nào hướng dẫn ngoài ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam rằng: “không phải đóng thuế TNCN thì đều được xem xét”.
Hiện mới chỉ có khung cho đối tượng là người thu nhập thấp, nhưng đối tượng này lại rất khó xác định nguồn thu nhập để trả nợ, nên rủi ro đối với ngân hàng là tương đối lớn. Ngân hàng không thể “thả gà ra đuổi” nếu chưa có hướng dẫn cụ thể.
Lường trước những khó khăn này, ông Nam cho biết, những đề xuất hợp lý và cấp bách đương nhiên sẽ được chấp nhận. Gỡ khó cho thị trường không chỉ cho các nhà đầu tư, mà quan trọng vẫn là người mua, thuê mua nhà ở. Vì thế, sẽ có cơ chế đặc thù cho đối tượng này.
“Bộ Xây dựng sẽ họp bàn với Ngân hàng Nhà nước và đề xuất với Chính phủ để những người đã chứng minh đủ điều kiện được mua NƠXH sẽ được vay mà không cần phải chứng minh thêm các điều kiện khác. Nếu không sẽ rất khó cho các đối tượng này”, ông Nam khẳng định.
Mặc dù còn “vướng” và “tắc” ở đầu ra, nhưng nguồn cung NƠXH được dự báo là khá dồi dào trong vài năm tới ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Tại Hà Nội, ngoài số lượng nhà ở cho người thu nhập thấp đang “ế” vì giá cao, thì các dự án NƠXH đã bắt đầu được khởi công xây dựng. Đáng chú ý nhất là Khu nhà ở Đặng Xá II do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư với 2.500 căn hộ có diện tích từ 33 - 44 - 55 m2, cao 6 tầng, có thang máy, giá bán dự kiến dưới 9 triệu đồng/m2.
Đại diện Viglacera cho biết, Tổng công ty không sợ ế hàng, bởi mức giá phù hợp, chung cư lại nằm trong quần thể Khu đô thị Đặng Xá, được kết nối hạ tầng đồng bộ, hệ thống dịch vụ được hưởng chung với nhà ở thương mại.
Tại TP. HCM, dự kiến sẽ có khoảng 3.000 căn NƠXH được đưa vào sử dụng trong năm 2013. Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo Sở Xây dựng hoàn thiện kế hoạch phát triển NƠXH năm 2013 để trình UBND Thành phố ký, ban hành, công bố vào cuối tháng 6/3013. Ông Quân cũng yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng xác định giá để công bố cho người dân trong thời gian sớm nhất và nhấn mạnh quan điểm của Thành phố là mức giá không vượt quá 12 triệu đồng/m2.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM khẳng định, trong tháng 6 này sẽ công bố cụ thể giá thuê, thuê mua và mua. Từ đó hướng dẫn những người được duyệt thuê, thuê mua, mua NƠXH và nhà thương mại các thủ tục vay vốn ngân hàng. Hiện TP. HCM có 35 dự án xin chuyển đổi và xây mới NƠXH, nhưng mới có 12 dự án hoàn thiện hồ sơ. Hầu hết chủ đầu tư cho biết, họ chờ mức giá Thành phố công bố và cơ chế cho người mua từ phía ngân hàng mới có quyết sách cụ thể, mặc dù đã có tính toán sơ bộ. Đây chính là lý do vì sao số dự án đăng ký nhiều, nhưng số hồ sơ hoàn thiện còn khiêm tốn.