Các khu đô thị mới đã và đang xây dựng gồm có 2 loại nhà: Khu chung cư cao tầng và nhà thấp tầng. Hà Nội có mật độ dân số rất cao, nhu cầu nhà ở chung cư rất lớn vì thế khi xây dựng các khu đô thị mới đòi hỏi phải dành phần chủ yếu cho nhà chung cư cao tầng. Theo đề xuất của một số ngành chuyên trách, khi xây dựng khu đô thị mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ nhà chung cư cao tầng phải chiếm trên 80% tổng số nhà ở của dự án. Đề xuất này phù hợp với tính chất đặc thù của thành phố lớn có mật độ dân số cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu giải quyết nhà ở của số đông người lao động. Tại Hà Nội, các năm trước đây và kể cả hiện thời, các khu đô thị mới đang xảy ra tình trạng không bình thường: Nhà ở thấp tầng "áp đảo” căn hộ chung cư cao tầng. Cơ cấu nhà ở chung cư cao tầng với nhà thấp tầng tại nhiều khu đô thị mới mất cân đối nghiêm trọng, đi ngược lại so với nhu cầu thực tế cũng như trái với đặc thù khu đô thị mới hiện đại.
Trong số 18 dự án khu đô thị mới đã và đang xây dựng của Hà Nội gồm có 22.823 căn hộ, trong đó có 15.404 căn hộ chung cư cao tầng và 7.419 nhà ở thấp tầng (biệt thự và nhà liền kề). Căn hộ chung cư cao tầng của 18 dự án khu đô thị mới chiếm tỉ lệ xấp xỉ 65%. Đi sâu tìm hiểu còn được biết những "điển hình” khu đô thị mới có tỉ lệ nhà thấp tầng "áp đảo” căn hộ chung cư cao tầng. Đứng đầu trong các "điển hình” này phải kể đến dự án khu đô thị mới Quang Minh I và Quang Minh II, tại đây nhà ở thấp tầng chiếm tỉ lệ lên đến 100%. Khu đô thị mới Trung Yên có tỉ lệ nhà thấp tầng hơn 66%; khu đô thị mới Định Công chiếm hơn 60%, khu đô thị mới Văn Quán chiếm 56%...
Phần lớn người lao động, sau nhiều năm tích góp, mới có thể đủ số tiền mua căn hộ chung cư cao tầng. Nhà ở thấp tầng (biệt thự và nhà liền kề) thì ngược lại, đó là "sân chơi” dành cho những đối tượng nhiều tiền lắm của. Xây dựng khu đô thị mới, ngoài việc góp phần nâng cấp tính chất hiện đại của đô thị, còn phải hướng tới mục tiêu giải quyết nhà ở cho số đông người lao động. Trên thực tế, tại một số khu đô thị mới ở Hà Nội, chủ dự án chỉ tập trung "ưu tiên” phục vụ cho những đối tượng nhiều tiền và thừa nhà ở. Dự án khu đô thị mới phải được nhiều cấp, nhiều ngành xét duyệt. Sự bất hợp lý về cơ cấu nhà ở được "thai nghén” từ trong dự án, ấy thế mà khi xét duyệt vẫn cứ... mặc kệ. Không thể "sửa sai” bằng cách đập phá khu nhà thấp tầng (có rất nhiều biệt thự cỡ "triệu đô" trở lên) để lấy đất xây dựng nhà chung cư cao tầng. Đó là chuyện đã rồi, hoàn toàn do chủ quan gây ra, vấn đề "đáng sợ" hơn nhiều nếu như tình trạng này còn tái phạm tại các khu đô thị mới đang được quy hoạch tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn có đông dân cư.