“Bãi rác” của các đô thị mới
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt trái của đô thị hoá làm thay đổi bộ mặt xã hội nông thôn, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là văn hoá xã hội, phong tục tập quán và kiến trúc nhà ở. Các khu đô thị mới, khu công nghiệp ngày càng được nhân rộng thay thế dần những cánh đồng lúa, khiến hình ảnh nông thôn mới dần dần biến đổi, tác động không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
KTS. Nguyễn Luận cho hay, nhà ở nông thôn là một đơn vị cân bằng sinh thái, nhà ở của người làng. Không gian ở thôn quê là những nguyên mẫu lý tưởng cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu và khám phá về người Việt. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế xã hội làm thay đổi mô hình nhà ở nông thôn truyền thống, không gian ngôi nhà và khuôn viên gia đình truyền thống không còn bền chặt như xưa.
“Chúng tôi nhận thấy hiện nay, nhà ở nông thôn đang thiếu những bản vẽ thiết kế chuyên nghiệp, phần lớn dựa vào các mẫu nhà hoặc sao chép từ thiết kế có sẵn vì vậy có thể mất tính sáng tạo và đặc trưng vùng miền”, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Bluescope Việt Nam, nhận xét.
Theo ông Nhựt, các nhà thầu xây dựng tại nông thôn xây nhà theo kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Hơn nữa, các giải pháp thiết kế và xây dựng chưa cập nhật, hạn chế trong việc tạo không gian sống thoải mái và tiện nghi cho người dân nông thôn, bố trí sinh hoạt chưa tối ưu.
Nhà ở nông thôn hiện đang thiếu những bản vẽ chuyên nghiệp. Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng nông thôn hiện nay chỉ là thoát từ môi trường ô nhiễm này sang một môi trường ô nhiễm khác, thậm chí trở thành sân sau, bãi rác của các đô thị mới. “Những gì yếu kém nhất hiện nay lại đổ về nông thôn, khiến môi trường nông thôn bị vỡ ra từng mảng do quá trình đô thị hóa”, ông Tùng phát biểu.
Riêng với Hà Nội, theo KTS. Trần Huy Ánh, Viện quy hoạch Hà Nội đã có 4-5 năm nghiên cứu quy hoạch nông thôn Hà Nội nhưng không có kết quả thành công. Nông thôn đã có lịch sử từ xa xưa, nhưng Hà Nội lại đi vào một sai lầm là xây dựng một quy hoạch mới nhưng không xuất phát từ thực tế.
Không nên xoá bỏ cái cũ
Trước thực trạng của nhà ở nông thôn Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện thiết kế và xây dựng không gian nhà ở nông thôn mang tính hệ thống hơn.
KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, nông thôn Hà Nội không nên xóa bỏ cái cũ mà phải đi từ cái cũ để phát triển lên. Cách giải quyết vấn đề quy hoạch là trên cơ sở hiện thực đang có, chấp nhận hiện trạng chứ không phải quy hoạch từ góc độ một mảnh đất trống.
Đối với công trình, nghiên cứu nhà mẫu ứng dụng ở nông thôn, ông Ánh cho rằng phải đa dạng nhưng phải trên cơ sở kinh tế của người dân. “Tầng lớp nông thôn hiện nay cũng đã phân hóa, người đi xuất khẩu lao động về họ muốn có nhà khang trang, người làm ruộng sức yếu, thu nhập thấp thì chỉ có khả năng làm được nhà nhỏ và đơn giản hơn. Theo đó, nên có nghiên cứu theo hai mẫu bởi nếu không có quy hoạch kiến trúc thực tế gần gũi với dân thì mọi phương án sẽ thất bại”, ông Ánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, KTS. Phạm Thanh Tùng cho biết đã có quá nhiều cuộc thi về nhà ở nông thôn với quá nhiều các bản vẽ. Cách đây 10 năm cũng đã có một hội thảo lớn, và có mẫu thiết kế kiến trúc sư đưa về cho người nông dân nhưng đến nay các mẫu đó vẫn không được áp dụng. “Điều đó cho thấy rằng, trước hết kiến trúc sư phải hiểu người nông dân cần gì thì mới vẽ”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, theo ông Tùng, không thể trông chờ nhiều vào doanh nghiệp tư nhân với những dự án về nhà ở nông thôn mà cần sự chung tay, ủng hộ, tham gia của chính quyền, doanh nghiệp nhà nước. Phải làm sao tất cả cùng nêu lên tiếng nói rằng nhà ở nông thôn cần được quan tâm nhiều hơn.
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đại diện GreenViet, cho rằng nhà ở nông thôn Việt Nam phải kết nối với thiên nhiên, tăng độ thông thoáng tự nhiên bằng cách tận dụng ưu thế nhà vườn với tầm nhìn ra bên ngoài đạt tối đa.
Còn KTS. Nguyễn Luận thì nhấn mạnh, nhà ở nông thôn phải bắt đầu từ tình yêu làng Việt, hồn Việt, văn hóa Việt. “Người ta có thể du nhập ngoại lai các mẫu kiến trúc cho thành phố nhưng không thể du nhập kiến trúc ấy vào làng quê Việt Nam được. Bởi đó là cuộc sống của người Việt truyền thống, bắt đầu từ con trâu, cái cày. Trong làng có một cấu trúc đặc biệt, gồm đường làng, cổng làng, đình làng tạo ra hình tam giác, lấy nhà làm trung tâm. Ngoài ra còn có chùa, miếu, chợ… tạo ra bản sắc làng quê Việt Nam, khác hẳn với đô thị”, ông Luận nói.
-
Siết chặt kỷ cương quản lý, sủ dụng và bố trí chung cư, nhà ở xã hội
Ngay sau khi thanh tra thành phố chỉ rõ hành loạt sai phạm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, bố trí, sử dụng chung cư thuộc sở hữu Nhà nước tại Công ty quản lý nhà chung cư và các cơ quan, cá nhân liên quan, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu có biện pháp, chế tài mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm.