01/03/2012 6:29 AM
Theo số liệu của Công ty Nguồn nhân lực toàn cầu ECA International, Hà Nội đứng ở vị trí 13 châu Á và 53 của thế giới, còn TPHCM đứng ở vị trí 12 châu Á và 52 thế giới về mức độ đắt đỏ của giá thuê nhà. Mặc dù đã có sự tụt hạng so với năm trước (Hà Nội 11 và 42, TPHCM 9 và 33) nhưng những con số trên không khỏi để lại nhiều suy nghĩ.

Số lượng ít, giá cao


Trên thực tế, cũng như nhà ở có mức giá trung bình, phân khúc nhà ở cho thuê gần như bị doanh nghiệp lãng quên, hoặc nếu có cũng không dành cho… người Việt. Theo thống kê của CBRE và Savills Việt Nam, căn hộ dịch vụ cho thuê tại các cao ốc ở Hà Nội chủ yếu phục vụ đối tượng là lao động nước ngoài với mức giá cao chót vót.


Theo kết quả tổng điều tra nhà ở toàn quốc, loại hình nhà ở cho thuê chỉ chiếm 6,5%. Riêng tại khu vực đô thị, tỷ lệ nhà cho thuê chỉ chiếm 14,5%. Trong khi đó, tỷ lệ công nhân viên chức, hộ gia đình trẻ chưa có nhà tại đô thị rất lớn.


Nhà ở cho thuê: Khuyến khích vẫn chưa đủ
Để khuyến khích xây nhà ở cho thuê
cần chính sách đồng bộ, rõ ràng. Ảnh: LÃ ANH


Cách đây vài năm, việc thay đổi tư duy của người dân từ sở hữu cá nhân sang thuê nhà ở đã được nhắc đến. Nhiều mô hình nhà ở cho thuê ở các nước có tỷ lệ người đi thuê nhà 80-90% cũng được đưa ra. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở mức độ… khuyến khích.


Vừa rồi, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường nhà cho thuê, bởi nhu cầu nhà ở hiện rất lớn song tỷ lệ nhà để cho thuê rất thấp, chỉ đạt 11% ở Hà Nội và TPHCM.


Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong tương lai sẽ phát triển các loại hình doanh nghiệp về nhà ở cho thuê. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của phân khúc này, những người am hiểu thị trường đều cho rằng để làm được điều này là thách thức rất lớn.


Tại Hà Nội, ngoài dự án thí điểm cho thuê nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại CT19A Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên và một vài dự án nhà ở xã hội khác, cũng có một quỹ nhà cho thuê, thuê mua nhưng vẫn chưa tung ra thị trường.


Hiện nay chỉ có Công ty Đầu tư Xây dựng Số 2 Hà Nội (HACINCO) triển khai dự án thí điểm xây dựng nhà cho thuê với khoảng 300 căn hộ, diện tích 40-119m2. Tại TPHCM, cũng chỉ có dự án Beehome do CTCP Quốc tế C&T làm chủ đầu tư hướng đến đối tượng khách thuê.


Nếu tính chi li, những dự án này chỉ mang tính chất thí điểm, như “muối bỏ bể”, không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Điều nghịch lý, trong khi áp lực nhà ở ngày càng lớn, nhu cầu người dân ngày càng cao, các doanh nghiệp lại càng kém mặn mà đầu tư phân khúc “vàng” này.


Loay hoay cách gỡ


Theo thống kê của ECA International, Việt Nam là một trong những nước có giá thuê nhà đắt nhất châu Á khi cả Hà Nội và TPHCM đều nằm trong top những thành phố có giá thuê nhà đắt đỏ. Các chuyên gia khẳng định điều này gần như vô lý nếu so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người.


Chính việc khan hiếm nguồn cung, mặt bằng chung BĐS quá cao đang đẩy phân khúc này đã èo uột càng èo uột thêm. Trao đổi với ĐTTC, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng vấn đề cốt yếu là nhiều chủ đầu tư không muốn bỏ vốn lớn rồi thu lại một cách nhỏ giọt.


Trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước hầu như chưa có, hoặc không đáng kể để bù đắp. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng chỉ khuyến khích thôi là chưa đủ, Nhà nước cần có những chính sách đồng bộ và rõ ràng từ khâu giao đất, xây dựng, quản lý…


Trên thực tế, đến thời điểm này Chính phủ mới chỉ có chính sách về xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc cho thuê mua, thậm chí sẽ có chế tài bắt buộc đối với một số loại hình nhà ở đặc biệt như nhà ở công nhân, còn chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho thuê chưa có.


Cùng với đó, sự ì ạch trong những chương trình lớn như nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đang khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi. Theo nhiều chuyên gia, để “hút” được doanh nghiệp đầu tư vào thị trường này, Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng ngồi lại để tìm ra mô hình hiệu quả nhất, phương thức hợp lý nhất thay vì chỉ khuyến khích suông hoặc bắt ép. Điều căn bản nhất là Nhà nước phải có quỹ đất.


Bởi nếu đối xử như nhà ở thương mại, chắc chắn sẽ tiếp diễn tình trạng không nhiều doanh nghiệp mặn mà. Thí dụ, Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất sạch, doanh nghiệp trả tiền thuê đất theo từng năm. Phương án này giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chỉ phải bỏ chi phí xây dựng và quản lý. Đồng thời, Nhà nước cần có những phương án hợp lý về nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp.


Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang xây dựng nghị định về nhà ở cho thuê với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp phát triển loại hình này.


Hy vọng chính sách này sẽ tìm được hướng đi hợp lý sau những sai lầm và hạn chế của chương trình nhà ở thu nhập thấp.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.