Theo Đề án Phát
triển nhà ở xã hội TP Cần Thơ được phê duyệt từ cách nay 4 năm, mục
tiêu đến năm 2020, địa phương này sẽ xây dựng 60.000 căn hộ cho người có
thu nhập thấp (TNT). Ngay sau khi Đề án này ra đời, chính quyền TP Cần
Thơ cũng đã ghi nhận động thái tích cực từ phía các nhà đầu tư (NĐT)
trong việc thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở cho người TNT. Thế
nhưng cho tới nay, vẫn chưa có một dự án (DA) nào được triển khai,
ngoại trừ có khu nhà ở SV được đầu tư 100% vốn trái phiếu Chính phủ.
Tại cuộc hội thảo chuyên đề với sự có mặt của nhiều NĐT quan tâm đến chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở cho người có TNT do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ (CaREA) tổ chức sáng 28/2 vừa qua, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, toàn TP hiện có gần 17.000 người chưa có nhà ở (thuộc diện được xét thuê, thuê mua nhà ở xã hội) với tổng nhu cầu cần khoảng 15.158 căn hộ... Thực tế nhu cầu sẽ ngày càng cao hơn khi dự báo đến năm 2020, dân số sẽ tăng từ 1,2 triệu người hiện nay lên khoảng 2 triệu người.
Một thống kê của ngành chức năng cho thấy toàn TP hiện
chỉ có 7 khu chung cư cho thuê và vài chục khu nhà tập thể với trên
1.500 căn hộ, mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu. Trong số đó, có
5 chung cư đã xuống cấp, 1 chung cư đã quá hạn sử dụng. Rất nhiều hộ
không có nhà hiện phải sống trong các phòng trọ ẩm thấp, chật hẹp chưa
tới 20m2.
Để khắc phục thực tế này, TP từng đề ra chỉ tiêu đến
năm 2020 mỗi người dân có diện tích nhà ở 20m2; diện tích xây dựng nhà ở
đô thị tối thiểu 30m2/căn. Đến năm 2015, Cần Thơ cơ bản giải quyết nhà ở
cho các đối tượng TNT ổn định về nhà ở; đến năm 2020 giải quyết dứt
điểm cho mọi đối tượng TNT có nhà ở.
Nhiều người dân Cần Thơ sinh sống trên xuồng ghe ao ước được mua chung cư dành cho người thu nhập thấp.
Ưu đãi nhưng đi vào vận dụng cụ thể tại từng địa
phương như Cần Thơ thì NĐT vẫn còn ái ngại do tính đặc thù. Ông Nguyễn
Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV VLXD và Xây lắp thương
mại BMC (Bộ Công thương) kiến nghị nhà nước cần làm rõ tiêu chí thế nào
là người có TNT?; giá trần trên mỗi m2 sử dụng khi xây nhà cho người có
TNT là bao nhiêu?
Ông Dũng cho biết, khu vực miền Tây, trong đó có Cần
Thơ, là vùng đất yếu nên tỷ lệ chi phí đầu tư luôn cao hơn vùng TP HCM,
Bình Dương khoảng 30% nên phải linh hoạt trong thực hiện chính sách ưu
đãi cho NĐT. Nhà nước cũng cần lưu ý đến thói quen và đặc điểm mưu sinh
của người có TNT.
Hầu hết bà con nghèo ở miền Tây đều gắn với ruộng
đồng, sông rạch, họ sẽ gặp khó, nếu không nói là sẽ nghèo thêm khi sống
trên một căn hộ nhiều tầng, xa nơi lao động…
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ còn cho biết thêm một thực trạng khác. Đó là hiện các DN rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng cho vay ưu đãi; nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế cho DN, từ đó khiến DN ái ngại. DN với người dân có đất trong vùng dự án hiện rất khó đạt được thỏa thuận về giá nên công tác GPMB, thu hồi đất luôn rất khó khăn.