Chủ trương phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp (TNT) là rất quan trọng. Tuy nhiên, loại hình nhà ở này đã thực sự đi vào đời sống hay chưa, đã phù hợp với năng lực tài chính của đại bộ phận người dân đô thị có mức TNT hay chưa và khả năng tiếp cận nhà ở của nhóm đối tượng này đã được cải thiện hay chưa sau nhiều điều chỉnh và sửa đổi các quy định liên quan... là những băn khoăn được dư luận quan tâm và chờ câu trả lời.

Tại cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân qua cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bộ Xây dựng đã có cuộc thanh tra chương trình nhà ở TNT tại các thành phố lớn trên cả nước nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật ở các địa phương, để xác định giá bán đã được tính đúng, tính đủ chưa; có chênh lệnh không và lý do vì sao… Từ đó kiến nghị Chính phủ bổ sung các quy định cụ thể và hoàn thiện khung pháp lý cho chương trình này.

Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết: kết quả sơ bộ từ đợt thanh tra cho thấy, giá bán tại các công trình, dự án nhà ở TNT rất khác nhau, dao động từ 8 triệu đến 11 triệu đồng/m2. Theo báo cáo, sự vênh nhau về giá này là do sự khác biệt về chi phí đầu vào của mỗi dự án và hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng chưa được hưởng vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Trong giai đoạn này, khi thị trường bất động sản đóng băng thì khó khăn cũng không "tha" phân khúc nhà ở TNT.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đề ra hướng tương lai rất tốt về nhà ở cho người TNT. Tuy nhiên vẫn phải có lộ trình dài hạn từ 10 đến 20 năm chủ trương này mới phát huy hiệu quả và đi vào đời sống - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy. Trước nhiều ý kiến về việc giá nhà TNT và các điều kiện tiếp cận còn ở khoảng cách khá xa so với năng lực tài chính của đại bộ phận người lao động, Bộ trưởng Dũng có quan điểm rằng, Chính phủ chủ trương xã hội hóa việc phát triển, xây dựng nhà ở TNT bằng cách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân cùng tham gia đầu tư hoặc khuyến khích người dân xây dựng nhà ở để cho thuê… Tuy nhiên, chúng ta chưa áp dụng cơ chế hỗ trợ cụ thể như miễn thuế hay cho vay ưu đãi. Nếu doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để xây nhà TNT, chắc chắn giá bán sẽ giảm trong nay mai.

Mặc dù nhiều địa phương đã quyết liệt vào cuộc, như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… hay một số tỉnh, thành có tốc độ phát triển cao như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…. Nhưng kết quả tích cực từ chương trình phát triển nhà ở TNT vẫn chưa thật rõ rệt.

Một đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, từng nhận xét: mặc dù có nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp đã đăng ký đầu tư, nhưng phần lớn vẫn nằm trên giấy hoặc bản vẽ. Thậm chí một số doanh nghiệp, chủ đầu tư những dự án này đang đề nghị kéo giãn kế hoạch triển khai vì lý do "khó khăn tài chính". Sự kém mặn mà đối với nhà ở TNT không chỉ ở phía khách hàng, mà còn ở chính các chủ đầu tư, và phần lớn trong số họ đều khẳng định rằng lúc này mà đầu tư vào nhà TNT thì chỉ có “thua” nếu trông vào hỗ trợ về đất đai hay giảm thuế. Người dân đủ điều kiện thì rất băn khoăn vì giá nhà TNT vẫn khá cao và không lý giải được vì sao nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở thị trường hàng hóa ở thời điểm này sẵn sàng giảm giá nhưng riêng giá nhà ở TNT thì vẫn đứng yên.

Tìm hiểu thực tế được biết, giá nhà TNT hầu như không thể giảm vì được cấu thành từ chi phí đầu tư xây dựng thực tế cộng với 10% lợi nhuận của doanh nghiệp (Nhà nước hỗ trợ 100% về đất đai)… Và mức giá công bố phải được các đơn vị quản lý Nhà nước cấp địa phương thông qua. Mặc dù thông tin có vẻ được công khai hoá, song sức thuyết phục vẫn chưa cao vì người ta vẫn còn những băn khoăn, "nghi ngại" về sự minh bạch trong quản lý và tính toán chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Ông Lê Minh Dũng, Giám đốc, Công ty TNHH Richard Ellis Việt Nam, cho rằng đơn giá 1 m2 nhà ở TNT hiện không chênh nhiều so với nhà ở thương mại. Và với diện tích trung bình từ 60 đến 70 m2 thì tổng giá thành có thể lên tới 600 đến 700 triệu đồng/căn hộ TNT. Như vậy, việc người có TNT khó với tới là điều dễ hiểu. Trong thời điểm này, để kích cầu thị trường đầu ra, trong khi các doanh nghiệp nhà ở thương mại phải cơ cấu lại sản phẩm và giá thành thì nên chăng các doanh nghiệp xây nhà ở TNT cũng nên cơ cấu lại diện tích căn hộ.

Theo TTXVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.