09/05/2016 10:22 AM
Biến khu đất phục vụ hành lang thoát lũ thành nơi kinh doanh giải trí, ăn uống… Chủ đầu tư Nhà hàng Nắng sông Hồng ngang nhiên “thách thức” luật pháp khi các sai phạm không được xử lý triệt để đang khiến dư luận “hoài nghi” về việc “bảo kê” sai phạm từ phía cơ quan chức năng.
Khu liên hợp gải trí, ăn uống “mọc’ từ hành lang thoát lũ?
Nhà hàng Nắng Sông Hồng nằm ở địa chỉ tại 306A, phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội. Đây là nhà hàng có quy mô hoành tráng, được xây dựng khá kiên cố, phục vụ cho việc kinh doanh, ẩm thực... Thế nhưng công trình này gây bức xúc cho dư luận bởi nó đang “dính” hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, Nắng Sông Hồng đang bất chấp mọi quy định của pháp luật để thực hiện xây dựng hàng loạt công trình kiên cố không phép, lấn chiếm hành lang thoát lũ như nhà hàng ăn uống, khu vui chơi, sân khấu…
Công trình sai phạm được thiết kế theo kiến trúc cổ điển.
Tìm hiểu PV được biết, Nhà hàng Nắng sông Hồng được hình thành trên diện tích 5,3ha do chủ đầu tư xin UBND quận Long Biên “Phương án phê duyệt chuyển đổi cơ cấu kinh tế” trong đó trọng tâm là trồng cây và nuôi thủy sản…
Chia sẻ bức xúc với PV, ông H. (sống gần khu vực trên) cho hay: "Cả một khu vui chơi, giải trí ăn uống mọc lên trên hành lang thoát lũ thì người dân không hề thấy các cơ quan chức năng tiến hành xử lý triệt để. Trong khi, người dân có công trình xây dựng nhà đơn lẻ thì hết cơ quan này, lục lượng khác đến kiểm tra liên tục. Công trình này chắc phải có người đỡ đầu thì mới tồn tại và phát triển nhiêu năm nay mà không hề bị cưỡng chế như vậy".
Lối vào "bề thế" của Nhà hàng Nắng sông Hồng.
Đến khoảng cuối năm 2013, chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng hàng loạt hạng mục công trình kiên cố sai hoàn toàn so với phương án phê duyệt. Đến tháng 8/2014 UBND phường Bồ Đề đã thanh lý hợp đồng và hủy phương án trên.
Xử lý triệt để chỉ bằng hình thức xử phạt hành chính?
Ngày 3/5/2012, Hạt quản lý đê điều số 5 đã lập Biên bản Vi phạm pháp luật về đê điều đối với Công ty cổ phần sinh thái Gió Sông Hồng do ông Tạ Văn Hùng làm Giám đốc.
Trong biên bản nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật về đê điều như sau: Tình trạng vi phạm tại Km 68+760 tuyến đê Tả Hồng cách chân đê phía sông 1100m. Trong đó Công ty Cổ phần Sinh thái Gió Sông Hồng lắp dựng công trình nằm trong phạm vi thoát lũ dòng chảy sông Hồng thuộc tổ 1 phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội không phép với kích thước 104,32 m2.
Biên bản vi phạm số 22 của Hạt quản lý đê số 5 lập lần thứ 2 đối với công trình vi phạm.
Hiện trạng lắp dựng 6 khung vì kèo thép, cột thép… Những hành vi trên đã vi phạm vào khoản 3, điều 26 Luật đê điều và điều 14 Pháp lệnh phòng chống lụt, bão. Hồ sơ cử lý vi phạm của nhà hàng này xếp thành cả quyển nhưng chỉ là hình thức, xử lý thì bất lực.
Tính từ thời lập biên bản 3/5/2012 đến nay, Công ty Cổ phần Sinh thái Gió Sông Hồng đã bất chấp mọi quy định của pháp luật, ngang nhiên xây dựng thêm hàng chục công trình lớn nhỏ trong đại công trình hơn 5,3ha mà theo phương án phê duyệt của quận Long Biên để trồng cây, nuôi thủy sản…
Dù đã có tới “cả chồng” biên bản xử phạt, biên bản kiểm tra… của Hạt quản lý đê điều số 5 yêu cầu UBND phường Bồ Đề xử lý vi phạm nhưng cho đến nay đại công trình là nhà hàng Nắng Sông Hồng vẫn tồn tại thách thức pháp luật.
Nhà hàng Nắng Sông Hồng mặc dù sai phạm nhưng không được xử lý triệt để, hàng loạt hạng mục được xây dựng kiên cố, đổ bê tông cốt thép thành một khu nghỉ dưỡng sinh thái hoành tráng nhất nhì quận Long Biên khiến Chi cục quản lý đê điều Thành phố Hà Nội liên tục làm văn bản đề nghị Chủ tịch UBND quận Long Biên xử lý.
Trong Công văn số 454/CCĐĐ-QL ngày 10/11/2014 cuối cùng của Chi cục Đê Điều và Phòng chống lụt bão gửi Chủ tịch UBND quận Long Biên đề nghị xử lý vi phạm về đê điều trên địa bàn quận cũng nêu rõ việc Công ty Cổ phần Sinh thái Gió sông Hồng đã có nhiều vi phạm từ năm 2012.
Công văn thể hiện rõ: “Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội đã liên lục có nhiều công văn như công văn số 799/CCĐĐ-QL ngày 10/8/2012; số 487/CCĐĐ-QL ngày 30/10/2013; 595/CCĐĐ-QL ngày 27/12/2013 đề nghị UBND quận Long Biên xử lý nhưng đến nay vi phạm vẫn tồn tại.
Đề nghị UBND TP Hà Nội cần sớm có các biện pháp xử lý triệt để đôi với công trình vi phạm nêu trên, tránh gây bức xúc kéo dài trong dư luận người dân, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.
DNVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.