Đó là nhận định của GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT. Theo ông, từ chỗ tập trung công kích cách làm trên, đến nay nhiều nhà đầu tư đã “học hỏi”, tập trung giảm giá sản phẩm của mình để chính thức hình thành phân khúc nhà ở thương mại giá thấp.
GS Đặng Hùng Võ
Về nhu cầu thực tế, theo thống kê của các cơ quan chức năng, đến năm 2020 cả nước cần có 13,5 triệu căn hộ, tăng 3,21 triệu so với năm 2015 và tăng 6,74 triệu so với năm 2009. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở dành cho người lao động có thu nhập thấp trong thời gian tới là rất lớn. Có cầu thì ắt sẽ có cung, đặc biệt trong hoàn cảnh phân khúc nhà ở giá cao đang tồn đọng là điều kiện thuận lợi để thị trường BĐS phát triển ở phân khúc giá thấp. Gói trợ giúp tín dụng 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ cũng là một trong những điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường BĐS nhà ở tại phân khúc giá thấp. Đó là những căn cứ xác thực nhất để nói rằng phân khúc nhà ở giá thấp sẽ tiếp tục là khu vực chính, là “chủ lực” của thị trường BĐS trong năm 2014.
Đối với lượng BĐS “tồn kho” trên thị trường, với tác động của các chính sách, pháp luật đổi mới đang được hình thành trong năm 2014, lượng BĐS “tồn kho” có triển vọng vơi đi đáng kể. Tuy nhiên, số BĐS tồn động được giải quyết chủ yếu vẫn là đất nền và các dự án đủ điều kiện chuyển đổi công năng. Câu chuyện về tăng cầu cho khu vực nhà ở giá cao có lẽ sẽ tiếp tục phải đợi thêm một năm nữa.
Thị trường BĐS vốn là thị trường có quán tính lớn, tức là có sức ì khá cao. Mọi giải pháp không thể tính theo ngày, theo tháng mà phải tính theo năm. Hiện nay các hoạt động giao dịch đang sôi động ở khu vực giá thấp, người lao động đang tìm nguồn tín dụng để vay mua nhà, hoạt động xây dựng vẫn đang triển khai, vốn trợ giúp của Nhà nước đã sẵn sàng và tiền trong dân cũng đang chờ quyết định. Từ những biểu hiện trên, có thể khẳng định đồ thị chung của thị trường BĐS sẽ tăng nhanh từ điểm cực tiểu hiện tại lên những nấc cao hơn trong thời gian tới.
Nhà ở cho người thu nhập thập sẽ là phân khúc chính của thị trường bất động sản năm 2014
Một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được đề ra tại Nghị quyết Số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ là tiếp tục thực hiện thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nghị quyết đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành; đồng thời nghiên cứu việc mở rộng quyền cho thuê, chuyển nhượng nhà ở đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo GS Đặng Hùng Võ, những nội dung mà Nghị quyết giao cho Bộ Xây dựng thực hiện đã nói rõ định hướng phát triển của thị trường BĐS nước ta mang điểm nhấn đặc trưng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta có thể coi đây như một giải pháp xuất khẩu BĐS tại chỗ, gắn kinh tế trong nước với kinh tế quốc tế trong quá trình toàn cầu hoá. Nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua như Dự thảo thì thị trường BĐS nước ta sẽ đứng trước một cơ hội mới với nhiều triển vọng mới và sức phát triển mới.
Bên cạnh chủ trương mở rộng thị trường BĐS cho người nước ngoài, Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam với tỷ lệ cổ phần tăng cao hơn trước đây cũng là một chính sách đối ngẫu để tăng vốn cho nền kinh tế, trong đó có kinh tế BĐS.
Rất tiếc rằng một chính sách đối ngẫu khác cần được xác lập song song là cho phép thế chấp bằng BĐS trong nước tại các tổ chức tín dụng nước ngoài lại chưa được chấp thuận trong Luật Đất đai (sửa đổi). Trong kinh tế, các chính sách mang tính đối ngẫu, tính tương đương cần được xem xét sao cho đồng bộ nhất, như vậy sức mạnh của hệ thống chính sách đó sẽ tăng hơn rất nhiều.