Theo nguồn tin này, phiên giao dịch dự kiến có khoảng 50 dự án tham gia chào bán hàng
Ngắn hạn: Nhà giá rẻ đang trên đà rẻ hơn
Trong đó, mức giá bán căn hộ giao động 14 - 28 triệu đồng/m2 nằm ở phân khúc trung bình của các dạng sản phẩm như chung cư, biệt thự đất nền, nghỉ dưỡng... và đây đều là các dự án của các DN bất động sản tên tuổi như : Cty CP phát triển thương mại Vinaconex, Cty kinh doanh bất động sản Viglacera, Cty CP đầu tư xây dựng số 9 Hà Nội, Cty CP Hồng Hải Đại Lải, Cty Hải Phát... Tại thời điểm hiện nay (ngày 9/10), đã có khoảng 1.000 khách hàng đăng ký tham gia giao dịch và giới thiệu các sản phẩm là nhà trong phố, đất nền, chung cư bán lại với các mức giá khác nhau. Một số khách hàng đăng ký tham gia giao dịch lý giải là họ kỳ vọng đây sẽ là phiên giao dịch có tính minh bạch trên thị trường BĐS, người mua sẽ có thể giao dịch được giá “hời” hoặc hợp lý, và thậm chí có thể sang nhượng thứ cấp sinh lợi cho tương lai.
Thông tin này có thể ví như một hơi ấm trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn đang lạnh băng. Tuy nhiên, hơi ấm này xem ra vẫn còn rất yếu ớt, so với tình trạng cả một khối băng đang chờ tan rã trên thị trường.
Trên thực tế thì nhà giá rẻ đã và đang ồ ạt được các DN tung ra thị trường rất mạnh mẽ. Báo cáo phân tích Thị trường BĐS của Cổng thông tin tài chính CafeFLand nhận định: “Giảm giá căn hộ chung cư là xu hướng chủ đạo của thị trường diễn ra trong tháng 8/2012. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là việc bán phá giá của các Cty thứ cấp”.
Dài hạn: Chờ đợi
Cần tập trung phát triển nhanh các dự án chung cư nhà thu nhập thấp, cho trả góp từ gốc để kích cầu. |
Khảo sát của DĐDN cho thấy sau mức giảm, các dự án đã được nêu trên kể trên hiện đang có giá dao động khoảng từ 14 -20 triệu đồng/m2. Tức là các dự án, trong đó có một số dự án cao cấp, cũng đã sẵn sàng hạ xuống mức giá rẻ... Tình trạng xả hàng đến mức “giá rẻ” nhưng mãi lực mua không cải thiện bao nhiêu khiến khách hàng củng cố thêm tâm lý chờ đợi hàng hóa tiếp tục được tung ra ở mức giá mới.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng khẳng định: Các DN BĐS và cả các nhà quản lý đang rất nỗ lực hỗ trợ, cứu vãn thị trường. Nhưng những “khấp khểnh” của thị trường BĐS thì không thể một sớm một chiều “san bằng”. Nhà nước cần phải tính việc phát triển phân khúc căn hộ cho thuê và có các hoạt động thúc đẩy nhu cầu thuê nhà trên thị trường. Ở các nước phương Tây, việc thuê nhà là bình thường và hơn 60% là người dân đi thuê nhà, trong khi ở ta thì hầu hết ai cũng có nhu cầu muốn được sở hữu nhà, do đó giá nhà đất mới có điều kiện đẩy lên cao. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội với giá trị tiền/m2 ở mức một vài triệu đồng vẫn là mơ ước của cả DN lẫn người dân. Phát triển được hai phân khúc này thì DN sẽ có lối ra, dĩ nhiên phải nền tảng giá nhà đất và chi phí giá thành cộng lại hợp lý cho DN phát triển nhà ở xã hội, mà người dân cũng có thêm cơ hội có căn hộ của mình”, ông Châu cho biết.
Điều cần làm Một chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, căn cứ trên một số chỉ báo, dự đoán diễn biến thị trường thời gian tới như sau: Thứ nhất, kinh tế VN đang có sự phục hồi tốc độ tăng trưởng, nhưng rất chậm. Những khó khăn trước mắt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2013. Do đó trong năm 2013 kinh tế nhìn chung vẫn ở trong tình trạng trì trệ, với tốc độ tăng GDP chỉ có thể nhích hơn năm 2012 đôi chút ( khoảng 5,5%). Thứ hai, các loại thị trường đều chưa thể khởi sắc; đầu tư chưa thể tăng nhanh; sức mua vẫn tăng chậm. Đặc biệt, trao đổi riêng với DĐDN, vị chuyên gia này nhấn mạnh: Từ cuối năm ngoái, tôi đã có đề xuất chính sách là nên mở rộng tín dụng trong lĩnh vực BĐS đang có thị trường như nhà ở thu nhập thấp, dự án đang xây dựng dở dang sắp hoàn thành, và nên để thị trường BĐS có thời gian điều tiết giá ở một số phân khúc. Trong tình hình đó, hiện nay, nhà nước không nên nóng vội hoặc sử dụng các biện pháp tài chính. Vừa rồi, những hỗ trợ như dãn thời gian nộp thuế sử dụng đất cho các DN 1 năm là rất đúng, còn lại, duy trì chính sách tín dụng có chọn lọc cho DN BĐS để tránh bơm vốn vào một tài sản bất hợp lý như 4 năm trước. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ chúng ta phải có dự báo. Trong quá trình hoàn thiện Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS, cần phải có sự dự báo để tránh những hệ lụy cho nền kinh tế từ BĐS. Tình hình đã như hiện nay, chúng ta cần phải bình tĩnh và làm ấm lại từng mảng bằng các chính sách của nhà nước. Cần tập trung phát triển nhanh các dự án chung cư nhà thu nhập thấp, cho trả góp từ gốc để kích cầu. Đó là điều cần làm lúc này. |