Vụ nổ kinh hoàng tại Khu đô thị Văn Phú ngày 19-3 vừa qua khiến nhiều người không khỏi lo lắng về những nguy hiểm còn tiềm ẩn ở đâu đó mà mỗi người không thể ngờ tới. Có ai nghĩ, giữa Thủ đô đông đúc, trên tuyến phố khang trang lại xảy ra một vụ việc quá kinh hoàng đến vậy? Nói là khang trang nhưng ở khu đô thị này còn nhiều ngôi nhà liền kề chưa sử dụng dù nó đã có chủ. Những người chủ này hoặc là để hoang hoặc cho người ít tiền thuê, mượn tận dụng vào những hoạt động không cần hoàn thiện ngôi nhà với chi phí tốn kém. Đó chính là lý do những người buôn bán đồng nát tìm đến.
Một điều không ngờ nữa là ngay cả một loại vật liệu nổ (mà nhiều phỏng đoán là bom) lại được vận chuyển, tàng trữ, tái chế một cách hồn nhiên đến thế?
Chính một cán bộ của đơn vị đầu tư khu đô thị này trả lời báo Tiền Phong rằng: hầu hết những ngôi nhà ở khu đô thị này đều đã có chủ, nên việc quản lý hoạt động của ngôi nhà như nào là do cơ quan chức năng. Còn cán bộ phường sở tại thì cho rằng khu đô thị chưa bàn giao nên việc quản lý thuộc về chủ đầu tư.
Trách nhiệm không ai nhận nhưng hậu quả mất mát quá lớn lao, quá kinh hoàng thì những người dân vô tội phải gánh chịu, xã hội mang nỗi bất an.
Những ngôi nhà để hoang cũng đang bị bỏ hoang quản lý.
Thực tế hiện nay, Hà Nội có rất nhiều khu biệt thự, khu đô thị mới có nhiều căn nhà bị để hoang. Báo chí, người dân, nhà nghiên cứu đô thị lên tiếng, nhưng đều rơi vào quên lãng. Những ngôi nhà giữa phố xá khang trang với hình ảnh phản cảm bởi sự lụp xụp, nhếch nhác không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là nơi trú ngụ của tệ nạn xã hội, của việc kinh doanh thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, là sự lãng phí hạ tầng, đất đai... Để khắc phục, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh thuế cao với ngôi nhà để hoang, thu phí quản lý kể cả không có người ở... nhưng những ý kiến này đã rơi vào quên lãng.
Dù những biện pháp kinh tế có được thực hiện thì điều quan trọng là xác định vai trò quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vụ nổ ở Khu đô thị Văn Phú nếu như việc quản lý vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, việc quy định những điều kiện, địa điểm với hình thức kinh doanh phế liệu được thực thiện chặt chẽ thì một vụ việc đau lòng đã được ngăn ngừa. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tai nạn cháy nổ, tai nạn lao động, ý thức bảo vệ cộng đồng của từng cơ sở kinh doanh, sản xuất cũng cần được thực hiện thường xuyên.
Một tiếng bom cảnh báo sẽ là quá đủ để các cơ quan hữu quan, những người có trách nhiệm lấp đầy những khoảng trống quản lý, chỉ rõ sự thiếu trách nhiệm mà ở đó khi sự cố xảy ra thì mất mát lớn nhất sẽ thuộc về những người dân vô tội.