Giá nhà ở xuống thấp, thị trường ngày càng có nhiều sự lựa chọn đang khiến nhà cho người có thu nhập thấp bị người dân quay lưng. Nếu kiến nghị chia nhỏ căn hộ để gỡ bí cho thị trường được chấp nhận, loại hình nhà ở này được dự báo càng ế ẩm hơn.

Thua sút nhà thương mại giá rẻ

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP có 6 dự án nhà cho người thu nhập thấp (Kiến Hưng - Hà Đông, Sài Đồng - Long Biên, CT1 Khu dân cư Ngô Thì Nhậm - Hà Đông...) với tổng số 3.750 căn hộ đã và đang được chào bán trên thị trường.

Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có dự án CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông và Đặng Xá 1 - Gia Lâm đã bán hết, các dự án còn lại đều đang tồn kho khoảng 20%, thậm chí có dự án lên đến 30-40%. Tại một số dự án, ngay cả những người đã đóng tiền đợt 2 vẫn quyết định rút hồ sơ, thanh lý hợp đồng, chấp nhận chịu phạt 5%.

Trên thực tế, nhà cho người thu nhập thấp đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nhà ở thương mại giá rẻ đang có xu hướng phổ biến trên thị trường. Và nếu đặt lên bàn cân, nhà cho người thu nhập thấp rõ ràng bất lợi hơn hẳn. Cùng ở mức giá 13-14 triệu đồng/m2 nhưng diện tích nhà cho người thu nhập thấp lại khá lớn (từ 60m2), khiến giá thành một căn hộ bị đội lên hơn 800 triệu đồng cho đến xấp xỉ 1 tỷ đồng/căn.

Loại hình nhà ở này lại không được phép chuyển nhượng trong vòng 10 năm, thậm chí không thể cho thuê, nếu bị phát hiện mua chui còn bị xử phạt và thu hồi. So với “vòng kim cô” này, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ “thuận mua vừa bán”, diện tích nhỏ, giá tiền chỉ khoảng 600 triệu đồng/căn, có thể dễ dàng chuyển nhượng, rõ ràng thích hợp với người dân hơn.

Chưa kể, chất lượng của các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp cũng khiến người dân phần nào phiền lòng với tâm lý “của rẻ là của ôi”. Do không có quy chuẩn nào về nhà mẫu, các chủ đầu tư tự lượng sức rồi xây dựng theo khả năng tài chính, khiến không ít dự án nhà chưa ở đã xuống cấp.

Mới đây nhất, dự án nhà cho người thu nhập thấp Đặng Xá (Gia Lâm) bàn giao căn hộ chưa được bao lâu đã bị người dân phản ánh một số bức tường bên trong tòa nhà có biểu hiện thấm, mốc, gây mất mỹ quan và an toàn đến sinh hoạt của các cư dân tại đây, bên trong các căn hộ cũng bị ngấm nước, thang máy chạy rung, lắc…

Sẽ phải giảm giá

Không khó để thấy rằng giai đoạn từ “mặn nồng” đến “nguội lạnh” đối với loại hình nhà cho người thu nhập thấp diễn ra khá nhanh. Những hình ảnh người dân phải xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để đợi bốc thăm quyền mua căn hộ, rơi nước mắt khi mình được mua nhà… đã nhanh chóng chỉ còn là quá khứ.

Thay vào đó, chủ đầu tư phải chạy theo người mua. Điều đáng nói là dù “bệnh” ế ẩm của nhà cho người thu nhập thấp đã được “bắt mạch”, nhưng cho đến nay Hà Nội vẫn chưa tìm được liều thuốc đặc trị, thậm chí càng gỡ rối càng ế, dù TP Hà Nội đã cố gắng hết sức trong việc tháo gỡ cho doanh nghiệp (DN) và người dân, như ban hành bộ thiết kế nhà mẫu giúp chi phí có thể tiết giảm 10-20%, mở đối tượng mua đến những người có hộ khẩu tạm trú dài hạn…

Khu đô thị Đặng Xá II, Gia Lâm, Hà Nội.

Thậm chí, nhiều DN cũng đã tìm mọi cách để kích cầu nhà thu nhập thấp. Sau khi triển khai dự án Đặng Xá 1, căn cứ vào những nhu cầu tiếp nhận, chủ đầu tư Viglacera đã điều chỉnh diện tích mỗi căn hộ khu Đặng Xá 2 xuống còn tối thiểu 30m2 thay vì 55m2 như giai đoạn một.

Như vậy, tổng giá thành căn hộ đã giảm gần một nửa để phù hợp với phần lớn nhu cầu của người dân. Phương án này cũng được nhiều chuyên gia đồng tình.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, đối với dự án phân khúc nhà cho người thu nhập thấp, các DN chỉ làm căn hộ nhỏ 45-60m². Dưới một góc độ khác, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng cái thiếu nhất, hơn cả thiếu tiền, là câu chuyện thể chế. Cơ chế xin-cho của thời kỳ bao cấp được áp dụng đối với nhà cho người thu nhập thấp là không còn phù hợp, tiềm ẩn bất công bằng trong một nền kinh tế thị trường.

Mới đây, để giải quyết hàng tồn kho quá lớn trên thị trường BĐS, nhiều DN đã kiến nghị cho chia nhỏ căn hộ, giảm giá bán để có thể tăng tính thanh khoản. Hiện nay, câu chuyện về vốn, về đầu ra nhà cho người thu nhập thấp, đặc biệt là các dự án đã xây dựng, vẫn vô cùng “nóng”. Tuy nhiên, vẫn chưa DN nào chấp nhận hạ giá nhà cho người thu nhập thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc các DN sẽ phải hạ mức lợi nhuận 10% theo quy định của Nhà nước xuống thấp hơn nữa bằng việc giảm giá nhà cho người thu nhập thấp để kích cầu.

Hà Nội: Sẽ đấu giá “đất vàng” sau di dời các bộ, ngành

(ĐTTC) - Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành và các cơ quan đoàn thể T.Ư tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Sau khi tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống trụ sở làm việc, cơ sở, nhà đất của 36 cơ quan, Bộ Xây dựng đã đưa ra 4 tiêu chí để xác định việc di dời là vị trí, đất đai, cơ sở vật chất, hạ tầng hỗ trợ. Theo đó, số lượng cơ quan di dời trụ sở làm việc dự kiến khoảng 11 bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 5 cơ quan T.Ư, các đoàn thể với tổng nhu cầu 45-50ha đất. 2 địa điểm để bố trí xây dựng các khu hành chính tập trung là khu trung tâm Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì. Tại Tây Hồ Tây, tổng quỹ đất có thể khai thác vào mục đích xây dựng trụ sở khoảng 27ha.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, có 3 phương án để thực hiện di dời. Phương án 1, giao cho các bộ, ngành làm chủ đầu tư xây dựng. Phương án 2, giao cho UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho các cơ quan sử dụng. Phương án 3, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành. Sau khi đầu tư xây dựng xong, Bộ Xây dựng giao các cơ quan tiếp quản sử dụng. Việc di dời trụ sở các bộ, ngành sẽ dựa vào nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn từ chuyển đổi các cơ sở cũ, thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT và PPP và nguồn vốn xã hội hóa. Đặc biệt, việc giải quyết “đất vàng” sau khi các bộ, ngành di dời cũng được Bộ Xây dựng đề xuất rõ. Theo đó, với những công trình có giá trị về kiến trúc cần bảo tồn sẽ hạn chế phá dỡ, ưu tiên sử dụng cho các mục đích văn hóa. Với các trụ sở nằm ở các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt, vị trí xa trung tâm, cho phép chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới. Các quỹ đất, công trình sau khi di dời sẽ được quản lý chung. Sau khi đánh giá giá trị, khả năng chuyển đổi, một số sẽ do Chính phủ quản lý, một số sẽ giao cho UBND TP Hà Nội quản lý hoặc chuyển đổi chức năng, đấu giá, tạo nguồn vốn xây dựng chung cho các trụ sở mới.

Khôi Nguyên

Theo Khôi Nguyên (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.