Thực tế cho thấy, chủ trương về nhà TNT là đúng, song quá trình thực hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề còn "lấn cấn".
Mất vị thế giá rẻ
Mặc dù chủ đầu tư chấp nhận giãn thời gian nộp 1 - 2 tháng với những người khó khăn, có đơn xin chậm trả tiền mua nhà, một khách hàng mua căn hộ TNT tại dự án Đại Mỗ vẫn phải tính đến việc trả lại nhà. Mua được nhà của dự án Đại Mỗ không còn là niềm vui của nhiều người. Thời gian giữa các đợt nộp tiền quá ngắn, trong khi giá tạm tính trung bình của một căn hộ dao động từ 700 triệu đến gần 1 tỷ đồng, một mức giá không thể gọi là phù hợp với người có TNT.
Đến thời điểm này, sự sụt giảm về mặt bằng giá của phân khúc chung cư bình dân trên thị trường đã khiến cho nhà TNT mất hẳn vị thế. Với mức giá 14 - 15 triệu đồng, nhà ở thương mại có lợi thế hơn hẳn vì không bị ràng buộc bởi các quy chế "nghiêm khắc" của nhà TNT, chẳng bị xét lên, duyệt xuống, lại còn được các ngân hàng mời vay vốn với lãi suất thấp. Trên các diễn đàn thảo luận về nhà TNT, lời khuyên "đừng mua nhà TNT!" đã được nhiều thành viên đưa ra.
Khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm, Hà Nội) vừa được khởi công với tiêu chí sản phẩm có giá bán từ 300 - 500 triệu đồng/căn, tương ứng với diện tích 30 - 50m2. Việc chủ đầu tư là Tổng Công ty Vigracera đưa ra căn hộ 300 triệu đồng chưa thể khiến cho người mua nhà hoan hỉ, bởi mức giá vẫn là 10 triệu đồng/m2 chứ không giảm so với các dự án trước đó. Đại diện Vigracera thừa nhận, để có được mức giá 300 triệu đồng/căn hộ, chủ đầu tư buộc phải chia nhỏ diện tích các căn hộ xuống còn 30m2. Chấp nhận "chẻ" căn hộ, tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn, thị trường trầm lắng như hiện nay, chủ đầu tư sẽ đi từ lo lắng này sang lo lắng khác vì diện tích giảm thì số lượng căn hộ sẽ còn lớn hơn. Sức mua là câu hỏi thật khó, bởi bản thân dự án nhà TNT của Vigracera tại Đặng Xá (giai đoạn I) với gần 950 căn, hiện cũng chưa bán hết dù đã qua 9 đợt chào bán.
Khu nhà ở thu nhập thấp tại Xuân Mai. Ảnh: Nguyệt Ánh
Không thể làm tài sản thế chấp
Các hộ dân mua nhà tại dự án Đại Mỗ đã phải bao lần đơn thư, chạy tới chạy lui từ chủ đầu tư tới ngân hàng, cơ quan thuế, Sở Xây dựng… để được tham vấn về các chính sách hỗ trợ bởi giá nhà cao, trong khi các chính sách hỗ trợ lại chưa được áp dụng đầy đủ. Theo Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư triển khai xây dựng nhà TNT được áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng người mua nhà vẫn đang bị tính thuế GTGT với mức 10% (khoảng 70 đến hơn 90 triệu đồng/căn hộ tại dự án Đại Mỗ). Khoản tiền thuế này phải nộp cùng tiền mua nhà theo các đợt.
Sau khi nhận được đơn xin vay tiền của người mua nhà TNT dự án Đại Mỗ, lãnh đạo của một ngân hàng thương mại lớn đã trực tiếp gặp gỡ người dân. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không có được kết quả như mong đợi khi vị lãnh đạo ngân hàng cho biết, căn hộ TNT không thể là tài sản thế chấp bởi ràng buộc 10 năm sau khi nhận nhà mới được bán. Theo tính toán từ phía ngân hàng, trong thời gian 10 năm đó, nếu người vay tiền không có khả năng trả nợ, ngân hàng không thể xử lý được tài sản thế chấp là căn hộ TNT. Ngay trong hợp đồng mua nhà, chủ đầu tư đã "cẩn thận" nêu rõ điều khoản "Hợp đồng này không có giá trị cầm cố, thế chấp".
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, để giá thành căn hộ giảm xuống, ngoài các giải pháp mang tính đột phá về công nghệ, thiết kế, doanh nghiệp phải được hưởng đầy đủ các ưu đãi được pháp luật quy định như áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng... Việc sắp xếp để tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn cho các dự án nhà TNT là rất quan trọng trong nhóm giải pháp để giảm giá thành. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho người mua nhà, có thể dưới hình thức cho vay mua trả góp.