04/12/2015 9:15 PM
Các ngân hàng đang “vắt chân lên cổ” chạy nước rút thoái vốn, nếu không sẽ bị xử phạt.
Theo Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước, đến 1-2-2016, các ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá hai tổ chức tín dụng khác. Bên cạnh đó đưa mức tổng đầu tư vào kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ...
Như vậy, các ngân hàng chỉ còn chưa đến hai tháng để thoái vốn.
Bán nhiều, mua ít
Thế nhưng đến thời điểm hiện nay mới chỉ có một số ngân hàng thực hiện quy định trên khá suôn sẻ. Chẳng hạn gần đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã thoái vốn thành công tại Công ty Cổ phần Everpia Việt Nam (EVE).
Theo đó, TPBank đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu EVE với giá 25.000 đồng/cổ phiếu, thu về 37,5 tỉ đồng. Qua đó, giảm tỉ lệ sở hữu tại công ty này từ 2,86 triệu cổ phiếu chiếm 10,22%, xuống 1,36 triệu cổ phiếu tương đương 4,86%.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ngân hàng đang đứng trước khả năng không thể thoái vốn được theo đúng quy định. Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 10, số vốn ngoài ngành còn đọng tại lĩnh vực ngân hàng lên đến khoảng 10.000 tỉ đồng.
Nguyên nhân khiến quá trình thoái vốn diễn ra chậm chủ yếu do khủng hoảng kinh tế, thị trường không thuận lợi, nhiều khoản đầu tư bị giảm dưới mệnh giá.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa phân tích không phải các ngân hàng cứ muốn thoái vốn là được mà còn phụ thuộc vào đơn vị đầu tư, các cổ đông có đồng ý cho thoái vốn hay không.
Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh minh họa: HTD
“Quan trọng hơn cả là để bán lại cổ phần phải có người mua và tính toán giá cả phù hợp” - ông Nghĩa nói.
Hơn nữa, ở giai đoạn hiện tại tìm được đối tác trong nước để mua cổ phiếu là điều không dễ. Thông thường các đối tác nước ngoài với tiềm lực mạnh có đủ khả năng mua vì ngân hàng thường đầu tư tương đối lớn, từ vài chục triệu USD trở lên. Song các đối tác nước ngoài hiện tại chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này.
Đó là chưa kể đến việc cùng một thời điểm, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng bị yêu cầu thoái vốn thì lại càng khó khăn để tìm được chủ đầu tư chiến lược.
Cùng quan điểm này, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận nền kinh tế trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Thời gian qua Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Gần đây giá USD tại các ngân hàng thương mại đều trong xu hướng tăng kịch trần.
“Những biến động tiền tệ luôn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Điều đó khiến các “ông lớn” tỏ ra e dè trước quyết định đầu tư trong thời điểm này, trong đó có ngành ngân hàng” - ông Minh nhìn nhận.
Có chấp nhận bán lỗ?
Đại diện một số ngân hàng thừa nhận Thông tư 36 với nhiều thay đổi tích cực nhằm giúp kiểm soát tốt hơn việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Qua đó hạn chế rủi ro, giúp hệ thống ngân hàng phát triển hiệu quả.
Do vậy, để thoái vốn đúng tiến độ có ý kiến cho rằng các ngân hàng nên chấp nhận bán những khoản đầu tư còn tồn đọng dưới mệnh giá. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa khẳng định khó có cổ đông nào đồng ý với kịch bản trên. Thậm chí ngay cả việc ngân hàng có bán lỗ vào thời điểm này chưa chắc đã có người mua!
Riêng ông Minh thì đặt vấn đề nếu ngân hàng đã nỗ lực hết sức tìm kiếm đối tác mua nhưng vì lý do khách quan nào đó vẫn không thể thoái vốn 100%, hoặc có tình trạng nhà đầu tư chờ cơ hội để chèn ép thì xử lý thế nào?
“Giữa một bên là ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và một bên phải đối mặt với việc bị xử phạt theo Thông tư 36, ngân hàng sẽ phải cân nhắc thiệt hơn, thậm chí phải chấp nhận đánh đổi. Nhưng sẽ không có chuyện ngân hàng chấp nhận bán đổ bán tháo” - ông Minh nói.
Ông Minh cũng nhìn nhận từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian quá ngắn để các ngân hàng thực hiện hoàn tất việc thoái vốn ngoài ngành. Và trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, nhiều ngân hàng đang trông đợi Ngân hàng Nhà nước sẽ lùi thời hạn áp dụng quy định trên.
“Giải pháp là có thể cho các ngân hàng thêm thời gian để nền kinh tế ấm hơn” - ông Nghĩa đề xuất.
Ngược lại, một số chuyên gia nói việc cho các ngân hàng một lộ trình thoái vốn nhưng cũng cần tiến hành kiên quyết, dứt khoát bởi càng để lâu càng khó giải quyết.
Các “ông lớn” đẩy mạnh thoái vốn
Hiện nay đang là giai đoạn chạy nước rút tái cấu trúc doanh nghiệp nên hoạt động thoái vốn trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng trong ngành giao thông vận tải, năm 2015 ngoài Cienco 1 và Cienco 4 đã hoàn thành việc thoái vốn, hiện còn có Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT, Cienco5, Cienco 6, Vinamotor… cũng đã và đang xây dựng phương án thoái toàn bộ vốn nhà nước.
Không dừng lại ở đó, hiệu ứng thoái vốn còn diễn ra rầm rộ tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước như Vietnam Airlines (HVN), PVGas (GAS), PVC...
Cần thoái vốn 17.000 tỉ đồng
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 10-2015, số vốn đầu tư vào năm lĩnh vực có nhiều rủi ro (bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư) cần phải thoái vốn từ nay đến cuối năm 2015 là khoảng 17.000 tỉ đồng. Trong đó đứng đầu là ngân hàng - tài chính còn đọng khoảng 10.000 tỉ đồng, bất động sản khoảng 6.000 tỉ đồng, bảo hiểm hơn 500 tỉ đồng, chứng khoán và quỹ đầu tư khoảng 500 tỉ đồng.
Thùy Linh (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.